Phần 2 – Bài 29: Chúa Giêsu cử hành bữa tiệc ly

 

 

Có thật là Chúa Giêsu đã thiết lập bí tích Thánh Thể không? Điều chắc chắn là cả bốn trình thuật của Tân Ước về Bữa Tiệc Ly của Chúa Giêsu đều giống nhau về mặt lịch sử, nghĩa là kể lại những gì Chúa Giêsu đã làm tại Nhà Tiệc Ly vào đêm trước khi chịu khổ nạn. Thế nhưng vẫn phải nhìn nhận là có một vài khác biệt trong những trình thuật này, khiến người ta nêu lên nhiều câu hỏi: Tại sao chỉ có Tin Mừng Nhất Lãm (Matthêu, Marcô, Luca) và thánh Phaolô kể lại sự việc này, còn thánh Gioan thì không? Tại sao thay vì kể lại việc Chúa lập phép Thánh Thể, thánh Gioan lại nói đến “Diễn từ về Bánh hằng sống” ở hội trường Capharnaum (Ga 6), cũng như việc Chúa rửa chân cho các môn đệ và “Diễn từ ly biệt” (Ga 13-17)? Phải chăng Bữa Tiệc Ly của Chúa Giêsu chính là lễ Vượt Qua của người Do thái (như Tin Mừng Nhất Lãm cho biết) hay Bữa Tiệc ấy đã xảy ra vào ngày trước đó (như Gioan 18,28 cho biết) ?

 

Điều chắc chắn là ngay từ thuở đầu Hội Thánh đã cử hành Thánh Thể. Việc cử hành Bữa tối của Chúa luôn luôn là tâm điểm trong đời sống của Hội Thánh. Việc cử hành này đã mang những tên gọi khác nhau: từ “việc bẻ bánh” (Cv 2,42) đến “Thánh Thể”, “Phụng Vụ thánh” trong nghi lễ Đông phương và “Thánh Lễ” trong truyền thống La tinh (GLHTCG số 1328-1332). Tuy nhiên điểm chung nhất trong việc cử hành này là thực hiện lệnh truyền của Chúa: “Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” (1Cor 11,24).

 

Chúa Giêsu đã làm gì trong Bữa Tiệc Ly? Người đã làm hai điều khác thường ở hai thời điểm. Ở đầu bữa ăn, thông thường người ta xin Chúa chúc lành cho bánh, thì Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các môn đệ mà nói: “Đây là Mình Thầy sẽ bị nộp vì anh em”. Vào cuối bữa ăn, khi người Do Thái xin Chúa chúc lành cho “chén chúc tụng” thì Chúa Giêsu cầm lấy chén rượu và nói: “Đây là Máu Thầy, Máu giao ước mới và vĩnh cửu, đổ ra cho anh em và nhiều người được tha tội”.

 

Những lời và hành động của Chúa Giêsu ở đây có ý nghĩa gì? Thưa những lời và hành động ấy muốn nói đến cái chết sắp tới của Chúa Giêsu, đồng thời nối kết với những lời nói và hành động trong tiệc Vượt Qua của Do Thái. Cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Giêsu sẽ là cuộc Vượt Qua mới, không chỉ giải thoát con người khỏi ách nô lệ Ai Cập, nhưng giải thoát khỏi tội lỗi. Cuộc Vượt Qua của chính Chúa Giêsu – Người bỏ thế gian mà về cùng Chúa Cha – là cuộc Xuất Hành mới và dứt khoát (số 1340). Cũng như người Do Thái cho đến ngày nay vẫn tưởng nhớ biến cố xuất hành khỏi Ai Cập khi họ mừng lễ Vượt Qua, thì chúng ta cũng cử hành sự chết và phục sinh của Chúa “cho tới khi Chúa đến” (số 1344).

 

Những lời nói và hành động của Chúa Giêsu trong Bữa Tiệc Ly không chỉ hướng về cuộc khổ nạn và phục sinh của Chúa, nhưng đã gắn liền với biến cố đó rồi. Khi làm cho bánh và rượu nên Mình và Máu của Người, Chúa Giêsu đã ban cho cho chúng ta điều mà Người hoàn tất nơi mầu nhiệm Khổ Nạn và Phục Sinh, tức là ơn cứu độ.

 

ĐHY Christoph Schönborn

(Nguồn: WHĐ)

Để lại một bình luận

Tel: 0968428072