Phần 2 – Bài 31: Thánh lễ là hy tế

 

 

Từ ngữ “Hy tế Thánh Thể” xem ra hơi khó hiểu, thế nhưng từ ngữ này diễn tả điều thiết yếu về ý nghĩa của Thánh Thể mà chúng ta không được phép quên. Từ “hy tế” ở đây có nghĩa gì? Công Đồng Vaticanô II trình bày: “Đang khi ăn Bữa Tiệc Ly, trong đêm Người bị nộp, Đấng Cứu độ chúng ta đã thiết lập hy tế Thánh Thể bằng Mình và Máu Người, để nhờ đó, hy tế thập giá trường tồn qua mọi thời đại, cho tới khi Người đến, và cũng để ủy thác cho Hiền Thê yêu quý của Người là Hội Thánh, việc tưởng nhớ sự chết và sống lại của Người” (GLHTCG số 1323).

 

Trong bản văn này, cần lưu ý ba điểm chính: (1) Cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá là một hy tế, cũng như việc cử hành Người thiết lập trong Bữa Tiệc Ly là một hy tế; (2) Hai sự kiện trên gắn kết với nhau, chính qua hy tế Thánh Thể mà hy tế thập giá được trường tồn; (3) Sự trường tồn này diễn ra dưới hình thức một “việc tưởng nhớ”.

 

Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta đã sống trọn cuộc đời trên trần thế như một của lễ dâng lên Thiên Chúa Cha (GLHTCG số 606). Cuộc sống và những đau khổ của Người diễn tả sứ mạng “phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10,45). Khi chúng ta cử hành Thánh Lễ như một hy tế, phải nhớ rằng Đức Kitô đã đổ máu cho chúng ta và mọi người “để tha thứ tội lỗi”. Không có ai trong nhân loại này mà Đức Kitô không chịu đau khổ cho họ (số 605). Thập giá của Chúa là hy tế tuyệt hảo và độc nhất. Hy tế ấy trước hết không phải là nỗ lực của con người nhằm được Thiên Chúa xót thương, nhưng đúng hơn là quà tặng của Chúa Cha ban cho chúng ta. Ngài bày tỏ tình yêu hòa giải của Ngài với chúng ta khi Đức Kitô “cất đi” toàn bộ gánh nặng của tội lỗi bằng tình yêu vâng phục của Người.

 

Đức Kitô đã muốn rằng điều Người hoàn tất sẽ được trường tồn (số 616) qua muôn thế hệ cho tới khi Người đến. Vì thế, trước khi chịu khổ nạn, Người đã thiết lập Hy Tế mà ngày nay chúng ta cử hành theo huấn lệnh của Người. Khi nói Thánh Lễ là một hy tế, chúng ta hiểu ra sao? Thánh Lễ là sự tưởng niệm Hy tế độc nhất của Đức Kitô: “Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”. Tưởng niệm ở đây không chỉ là hồi tưởng, nhớ lại quá khứ, mà là “làm cho thành hiện tại” (số 1363). Cho nên trong Thánh Lễ, khi chúng ta tưởng nhớ và loan báo sự chết, sự phục sinh của Chúa, thì những biến cố ấy trở thành hiện tại.

 

Hy tế của Đức Kitô chỉ diễn ra một lần là đủ. Thế nhưng trong Thánh Lễ, hy tế ấy được hiện tại hóa và thông ban hiệu quả cho chúng ta: “Mỗi lần hy tế thập giá, qua đó Đức Kitô đã chịu hiến tế làm Chiên lễ Vượt Qua của chúng ta, được cử hành trên bàn thờ, thì công trình cứu chuộc chúng ta được thực hiện” (số 1364). “Đức Kitô đã để lại cho Hiền Thê yêu dấu của Người là Hội Thánh một hy tế hữu hình (như bản tính con người đòi hỏi); trong hy tế hữu hình này, hy tế đẫm máu được thực hiện một lần duy nhất trên thập giá được hiện diện, và việc tưởng niệm hy tế đẫm máu đó sẽ còn mãi cho đến ngày tận thế, và sức mạnh cứu độ của hy tế đó sẽ được áp dụng để tha thứ các tội lỗi chúng ta phạm hằng ngày” (số 1366).

 

ĐHY Christoph Schönborn

Để lại một bình luận

Tel: 0968428072