Phần 2 – Bài 34: Rước lễ

 

 

Sách Xuất Hành mô tả một quang cảnh huyền nhiệm: Môsê thông báo cho dân những lời của giao ước, những điều răn của Thiên Chúa. Rồi ông dựng một bàn thờ, và những con vật được hiến dâng làm của lễ. Ông lấy máu của những con vật rẩy trên bàn thờ và dân chúng: “Đây là máu giao ước…” Cuối cùng ông lên núi cùng với các trưởng lão: “Họ được chiêm ngưỡng Thiên Chúa, rồi họ ăn và uống” (Xh 24,1-11).

 

Hy tế và bữa ăn gắn bó với nhau: hy tế diễn tả tâm tình tạ ơn và hòa giải, khôi phục sự hiệp thông giữa con người với Thiên Chúa (GLHTCG 2099). Việc rẩy máu biểu thị mối hiệp thông sự sống, còn bữa ăn đóng dấu cụ thể cho mối hiệp thông ấy. Hiệp thông ở bàn thờ dẫn đến hiệp thông trong bữa ăn. Đây là điểm chung giữa bí tích Thánh Thể với Cựu Ước và với cả nhiều tôn giáo khác (GLHTCG 28). Tuy nhiên nơi bí tích Thánh Thể có một điều không gì sánh nổi, ấy là hy tế ở đây cũng như bữa ăn sau đó là hy tế độc nhất vô nhị: chính Đức Kitô vừa là của lễ vừa là thầy cả và là của ăn. Người giao hòa chúng ta với Chúa Cha, Người hiến dâng chính mình làm của ăn, như quà tặng của Chúa Cha ban cho chúng ta.

 

Do đó, mục đích đầu tiên của việc rước lễ là sự hiệp thông mật thiết với Đức Kitô: “Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì ở trong Ta và Ta ở trong người ấy” (Ga 6,56). Dĩ nhiên sự hiệp nhất với Đức Kitô đòi hỏi phải có đức tin thì mới tăng trưởng và đào sâu. Lời “Amen” mà chúng ta thưa khi nghe câu “Mình Thánh Chúa Kitô” chính là lời diễn tả đức tin: Vâng, tôi tin (GLHTCG 1064).

 

Trong thực tế ngày nay, khi tham dự Thánh Lễ, rất nhiều giáo dân lên rước lễ. Đó là điều đáng mừng. Tuy nhiên điều quan trọng nữa là phải chuẩn bị. Trước kia, khi việc rước lễ không phải là thường xuyên, người tín hữu chuẩn bị rất cẩn thận mỗi lần lên rước lễ. Bởi lẽ rước lễ không chỉ đơn thuần là đón nhận “bánh thánh” nhưng là đón nhận chính Đấng đã xưng mình là “Bánh hằng sống” (Ga 6,51). Chính vì thế, linh mục thầm thĩ cầu nguyện trước khi rước lễ, và cả cộng đoàn tuyên xưng: “Lạy Chúa, con không đáng Chúa ngự đến nhà con”. Lòng tôn kính trước sự hiện diện thiêng thánh của Chúa trong Thánh Thể cần phải được thể hiện qua những cử chỉ xứng đáng khi lên rước lễ (GLHTCG 1387).

 

Rước lễ còn đưa chúng ta đến chỗ hiệp thông với nhau: “Vì chỉ có một bánh, nên chúng ta tuy nhiều nhưng làm nên một thân thể, vì tất cả cùng ăn một bánh” (1Cor 10,17). Từ nhiều hạt lúa miến mới làm nên một tấm bánh, và tuy nhiều tín hữu nhưng chỉ là một Thân Thể. Do đó, rước lễ chỉ mang ý nghĩa trọn vẹn khi là sự hiệp thông trong chia sẻ, nhất là với những người nghèo nhất trong số anh em của Đức Kitô: “Hãy là chi thể của Thân Thể Đức Kitô, để lời đáp Amen của anh em là chân thật” (Thánh Augustinô).

ĐHY Christoph Schönborn

Tin liên quan

Để lại một bình luận

Tel: 0968428072