Phần 2 – Bài 41: Những hình thức thống hối khác

 

 

Số người đi xưng tội đã ít đi so với trước đây, nhưng khắp nơi người ta lại tìm người nâng đỡ về mặt tâm lý và tinh thần. Nhiều người đến với các bác sĩ và nhà trị liệu. Xưng tội cá nhân với linh mục và việc linh hướng xem ra ngày càng ít. Có thật sự như thế không? Nhiều dấu hiệu cho thấy không hẳn như thế. Một điều gì đó mới mẻ đang diễn ra, kho tàng cổ xưa nay đang được khám phá lại.

Trước hết, điều này diễn ra nơi những hình thức khác của sự thống hối. “Việc xưng các lỗi phạm hằng ngày (các tội nhẹ), tuy không thật sự cần thiết, vẫn được Hội Thánh thiết tha khuyến khích” (GLHTCG số 1458). Có những hình thức thống hối khác, qua đó chúng ta có thể được tha các “tội nhẹ”. Ba việc đạo đức được kê ra trong Kinh Thánh là ăn chay, cầu nguyện, làm việc bác ái. “Vác thánh giá hằng ngày và bước theo Chúa Giêsu là con đường chắc chắn nhất của sự thống hối” (số 1435). Điều cốt yếu là sẵn sàng hoán cải và yêu thương vì “tình yêu che lấp muôn vàn tội lỗi” (1Pet 4,8). Đây cũng là lý do Hội Thánh khuyên chúng ta năng xưng tội: “Năng hưởng nhờ hồng ân của lòng Chúa thương xót, chúng ta được thúc đẩy để trở nên hay thương xót như Ngài” (số 1458).

Việc cộng đồng cử hành thống hối không đi ngược lại ý hướng này. Tội lỗi gây tổn thương cho sự hiệp thông, và vì thế hoán cải và thống hối luôn mang tính cộng đoàn (số 1429, 1443). Việc cử hành cộng đoàn có thể giúp chúng ta ý thức chân lý này và có thể dẫn đến thống hối cá nhân và lời khẩn cầu chung để xin ơn tha thứ (số 1482). Dĩ nhiên việc giải tội tập thể chỉ giới hạn trong những trường hợp có nhu cầu nghiêm trọng. Đây không phải là sự giới hạn mang tính áp đặt của Hội Thánh. Có những lý do sâu xa khiến Hội Thánh làm như thế. Đức Kitô không bao giờ chữa lành tập thể. Người đích thân ngỏ lời với từng hối nhân. “Người là thầy thuốc cúi mình trên từng bệnh nhân đang cần Người chữa lành” (số 1484). Cũng thế, việc tha tội luôn mang tính cá nhân: “Cha tha tội cho con”.

“Ngồi tòa”: Trong đời sống linh mục, không có nhiệm vụ nào mà ở đó linh mục cảm nghiệm cách sâu xa thừa tác vụ của Đấng chăn chiên lành cho bằng khi ngồi tòa giải tội. Nếu thừa tác vụ này mất đi thì suối nguồn đời linh mục cũng vơi cạn. Chính ở tòa giải tội, linh mục nhận ra rằng ngài có đặc quyền thi hành thừa tác vụ của người Samari nhân hậu, rằng ngài thật sự là khí cụ của tình yêu tha thứ nơi Thiên Chúa (số 1465). Cũng nơi đó, hối nhân nhận ra nơi linh mục hình ảnh người tôi tớ của lòng thương xót. Đồng thời họ phải tin rằng họ thật sự gặp gỡ Đức Kitô nơi linh mục mà họ đến xưng tội và nhận ơn xá giải.

“Việc linh hướng” không gắn kết chặt chẽ với bí tích Giao Hòa. Công việc này giả thiết ơn “phân định các thần khí”. Và ở đây là cả một lãnh vực rộng lớn mở ra cho người giáo dân, cả nam lẫn nữ.

 

ĐHY Christoph Schönborn

(Nguồn: WHĐ)

Tin liên quan

Để lại một bình luận

Tel: 0968428072