Phúc âm hóa bản thân

 

1. Để Phúc-Âm-hóa mọi người, bản thân mỗi người chúng ta phải làm gì?
Chính bản thân chúng ta phải được Phúc-Âm-hóa, phải củng cố và làm mới lại đức tin của mình.
2. Đòi hỏi thiết yếu trong sứ vụ Phúc-Âm-Hóa là gì?
Là liên đới và xót thương những nạn nhân, những người bị gạt ra bên lề xã hội.

Chú thích
01/ Phúc Âm hóa mọi người: đó là sứ mệnh của mỗi Kitô hữu:
– “Hãy đi và làm cho muôn dân thành môn đệ (Mc 16, 15)…Sau hơn 2000 năm, lệnh truyền này vẫn khẩn thiết và phải được âm vang mạnh mẽ trong con tim mỗi chúng ta…
– Hôm nay, lời mời gọi này vẫn cần thiết. Chúng ta đang trải qua giai đoạn lịch sử rất đặc biệt. Những tiến bộ kỹ thuật đã mở ra những khả thi cho những tương tác giữa người với người và giữa các quốc gia. Nhưng những mối quan hệ toàn cầu này chỉ giúp ích cho thế giới khi nó được đặt nền tảng trên tình yêu, hơn là dựa trên chủ nghĩa vật chất. Tình yêu là điều duy nhất có thể lấp đầy trái tim con người và giúp con người xích lại gần nhau hơn. Thiên Chúa là Tình Yêu. Khi chúng ta lãng quên Thiên Chúa, chúng ta đánh mất hy vọng và không thể yêu thương người khác. Đó là lý do tại sao chúng ta phải minh chứng cho sự hiện diện của Thiên Chúa, để người khác cũng có thể kinh nghiệm điều đó” (x. Sứ điệp gửi Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới tại Brasil 7/2013).

 

02/ Chính bản thân chúng ta phải được Phúc-Âm-hóa…
“Chính bản thân chúng ta phải được Phúc-Âm-hóa, phải củng cố và làm mới lại đức tin của mình, rồi mới có thể giúp những anh chị em đã xa rời đức tin tái khám phá vẻ đẹp và ánh sáng đức tin. Ngày nay, khi một số người chỉ còn là Kitô hữu trên danh nghĩa, chúng ta hãy sống cho đúng với ơn gọi Kitô hữu của mình trong niềm vui, hãy chiếu tỏa sức hấp dẫn của Tin Mừng cho những người chung quanh” (TC, s.3).

 

03/ Củng cố và làm mới lại đức tin:
Tông thư Cửa Đức Tin cho chúng ta thấy: để củng cố, và làm mới lại đức tin, cần:
– tăng cường việc cử hành đức tin trong phụng vụ, đặc biệt là trong Thánh Thể, vốn là “tột đỉnh mà hoạt động của Giáo Hội hướng tới và đồng thời cũng là nguồn mạch từ đó phát sinh toàn thể năng lực của Giáo Hội”.
– tăng trưởng cuộc sống chứng tá của các tín hữu [Đức tin “được năng động nhờ đức mến” (Gl 5,6) trở thành một tiêu chuẩn mới để hiểu biết và hành động, thay đổi toàn thể cuộc sống của con người (x. Rm 12,2 ; Cl 3,9-10 ; Ep 4,20-29 ; 2 Cr 5,17) Cửa Đức Tin, s.6].
– Tái khám phá nội dung đức tin được tuyên xưng, cử hành, sống và cầu nguyện, (Nhờ học hỏi Công Đồng Vaticanô II và Giáo Lý Của HTCG/ x. Cửa Đức Tin, s. 5;11).
– suy tư về chính hành động đức tin,
đó là sự quyết tâm mà mỗi tín hữu phải biến thành của mình…” (x. Cửa Đức Tin, s.9).

 

04-05/ Liên đới và xót thương….:
* Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết: “Phải thẳng thắn quả quyết rằng: có một liên hệ không thể tách rời giữa đức tin của chúng ta và những người nghèo. Chúng ta đừng bao giờ bỏ rơi họ” (Tông huấn Niềm vui Phúc Âm, s.48).
* Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI thì viết: Nhờ đức tin, chúng ta có thể nhận ra tôn nhan Chúa Phục sinh nơi những người đang xin tình thương của chúng ta. “Tất cả những gì các con đã làm cho một trong những người anh em bé nhỏ nhất của Thầy đây, là các con đã làm cho Thầy” (Mt 25,40): đây là những lời cảnh giác không bao giờ được quên, và cũng là lời mời gọi trường kỳ: hãy đáp lại tình yêu mà Chúa đã chăm sóc chúng ta. Đó là đức tin giúp chúng ta nhận ra Chúa Kitô, và chính tình yêu Chúa thúc đẩy chúng ta cứu giúp Chúa, mỗi khi Ngài trở thành kẻ thân cận của chúng ta trong cuộc sống. Được đức tin nâng đỡ, chúng ta hy vọng hướng nhìn sự dấn thân của chúng ta trong thế giới, trong khi chờ đợi “Trời mới đất mới, trong đó có công lý cư ngụ” (2 Pr 3,13 ; x. Kh 21,1) (x. Cửa Đức Tin, s.14).

Các Thánh Tử đạo VN nêu cao những tấm gương liên đới và xót thương người nghèo khổ:
– Thánh Simon Hòa là một thầy lang, dù có đến 12 người con, Ngài vẫn rộng rãi giúp đỡ người nghèo khổ: chữa bệnh miễn phí mà còn cho tiền cho gạo; có lần, Ngài vực một người gần chết đói bên đường, vác lên vai đưa về nhà chăm sóc…
– Thánh Antôn Nguyễn Đích thường xuyên thăm viếng, chăm sóc những người bị phong cùi…Ngài còn nuôi trong nhà cả những người mắc bệnh dịch rất dễ lây…
– Thánh Giuse Tả thường rộng rãi cho phân nửa, hoặc cho luôn những món nợ. Ngài nói: “Mình quên nợ cho người, Chúa quên tội cho mình”.

 

Nguồn: gpcantho.com

Để lại một bình luận

Tel: 0968428072