Phúc tử đạo
Đã qua rồi cái thời bắt đạo! Đã qua rồi cái thời tử vì đạo! Người ta hay nói như thế! Tuy nhiên cụm từ “tử vì đạo” vẫn thường được nhắc đến. Và mỗi tôn giáo, mỗi niềm tin có những cách định nghĩa khác nhau về cái chết cho đạo hoặc cho niềm tin của mình. Chẳng hạn, nhiều cảm tử quân vùng Trung Đông coi những cuộc đánh bom tự sát của họ là tử đạo, mặc dù cuộc tử đạo của họ mang đầy hận thù, mang theo cái chết của bao người vô tội, và gây thêm nhiều hận thù khác!
Các Kitô hữu thì quan niệm tử đạo là vui vẻ vác thập giá đời mình để theo Chúa Kitô trong yêu thương và chết để cho người khác được sống và sống dồi dào như Đức Kitô vậy. Đức Kitô đã chết trên thập giá để cứu độ nhân loại. Đứng trước những người lên án tử và giết mình, Đức Giêsu đã cất tiếng nói: “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm!” Thánh Stêphanô – vị tử đạo tiên khởi – cũng đã lên tiếng như vậy, giống Chúa Giêsu trước khi tắt thở.
Các thánh tử đạo Việt Nam cũng thế, cũng đã đi theo con đường yêu thương và tha thứ. Nếu chết mà vẫn mang trong mình mối hận thù, căm phẫn thì sẽ không phải là tử đạo, mà là tử… hận! Không yêu thương, không tha thứ thì có ra pháp trường cũng chẳng có ý nghĩa gì cả: cái chết đó vô nghĩa! Để hưởng phúc tử đạo, phải yêu thương và tha thứ.
Ngày nay, không còn bắt đạo, không còn cấm cách như xưa, không còn tử đạo như xưa; nhưng việc vác thập giá theo chân Chúa trên đường đời vẫn là lời mời gọi dành cho mỗi Kitô hữu. Vấn đề là ta có nhận ra thập giá của đời mình không!
Câu chuyện dưới đây nói lên sự hiện diện của thập giá trong đời mỗi người khiến cho ai cũng có thể là những vị thánh tử đạo:
Ở một đất nước giàu có của Châu Âu, có một cô ca sĩ rất nổi tiếng. Tuy mới chỉ 30 tuổi nhưng danh tiếng cô đã vang dội khắp nơi; hơn nữa cô có một người chồng như ý và một gia đình hạnh phúc mỹ mãn. Một lần, sau khi tổ chức thành công một đêm diễn, cô ca sĩ cùng chồng và con trai được đám đông người hâm hộ cuồng nhiệt bao quanh. Mọi người tranh nhau chuyện trò với cô. Những lời lẽ tán tụng khen ngợi tràn ngập cả sân khấu. Có người khen cô tuổi nhỏ chí lớn, vừa tốt nghiệp đại học đã bước chân vào nhà hát tầm cỡ quốc gia và trở thành nữ ca sĩ trụ cột của nhà hát. Có người tán tụng rằng mới có 25 tuổi mà cô đã được chọn là một trong 10 nữ ca sĩ có giọng hát opera xuất sắc nhất thế giới. Có người lại ngưỡng mộ cô có người chồng tuyệt vời, một cậu con trai kháu khỉnh, dễ thương.
Trong khi mọi người thi nhau bàn luận, cô ca sĩ này chỉ im lặng lắng nghe, không thể hiện thái độ gì. Khi mọi người nói xong, cô chậm rãi nói: “Trước tiên, tôi cảm ơn những lời ngợi khen của mọi người dành cho tôi và những người trong gia đình tôi. Tôi hy vọng có thể chia sẻ niềm vui này với mọi người. Nhưng các bạn chỉ nhìn thấy một số mặt trong cuộc sống của tôi thôi, còn một số mặt khác, các bạn vẫn chưa nhìn thấy. Cậu con trai của tôi mà mọi người khen là bé kháu khỉnh, đáng yêu, thật bất hạnh, nó là một đứa trẻ bị câm. Ngoài ra, nó còn có một người chị tâm thần, không thể đưa ra khỏi nhà được.”
Mọi người ngơ ngác, sửng sốt nhìn nhau, dường như rất khó chấp nhận một sự thật như thế! Những khó khăn của cô ca sĩ thật lớn, nhưng cô vẫn vui vẻ vác lấy những thập giá đời mình trong yêu thương. Cô đang “hưởng” phúc tử đạo từng ngày!
Ta thường đứng núi này trông núi nọ để nói rằng ta đau khổ, ta bất hạnh hơn người khác nhưng nhìn kỹ ta sẽ thấy mình may mắn hơn nhiều người. Thập giá đời ta nhẹ hơn người khác nhưng ta cứ hay “giận Chúa, hờn Mẹ”!
Tôi còn nhớ, lần kia, Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm cùng vài người đến thăm gia đình nọ. Vào nhà, mọi người không thấy thánh giá, Đức cha hỏi :
– Sao không thấy nhà ông treo thánh giá ?
Ông từ tốn đáp :
– Thưa Đức cha, nhà con đây có 8 người trong đó có con và nhà con đây. 8 cây thập giá rồi! Con vác vợ con và các con, các con của con vác hai vợ chồng con!
Câu trả lời của ông dí dỏm và dễ thương.
Vui vẻ để vác thập giá đời mình không phải là dễ; ai nói cũng được, nhưng thực hiện lại là chuyện khác. Liệu ta có yêu thương, tha thứ đến cùng khi vác thập giá theo chân Chúa hay không? Nhiều khi ta thấy ta đang phải vác những cây thập giá nặng nề là vợ ta, là con ta. Nhưng biết đâu, vợ và con ta cũng đang thấy ta mới chính là thánh giá nặng nề nhất của họ!
Cố nhạc sĩ họ Trịnh viết thật hay: “Sống giữa đời này chỉ có thân phận và tình yêu. Thân phận thì hữu hạn, tình yêu thì vô cùng. Chúng ta làm thế nào nuôi dưỡng tình yêu để tình yêu có thể cứu chuộc thân phận trên cây thập giá đời”. Xin Chúa thêm tình yêu cho chúng con để chúng con có thể vui vẻ vác thập giá đời mình và “hưởng” được phúc tử đạo trong từng ngày sống của chúng con.
Micae Bùi Thành Châu