Quan tâm giáo dục đức tin thời nay
Ngày nay chúng ta đang sống trong thời đại của những phát minh khoa học và kỹ thuật làm cho cuộc sống của con người được nâng cao hơn.
Do vậy, con người ngày nay thích sống theo “chủ nghĩa”như chủ nghĩa cá nhân; chỉ biết sống cho mình không cần quan tâm đến người khác, thích sống hưởng thụ; thích tiêu xài, thỏa mãn bản thân, tận hưởng cuộc sống sung sướng mà không phải lao động vất vả, chủ nghĩa duy lợi; cái gì tốt và lợi cho bản thân thì giữ còn cái xấu, bất lợi chút lên cho người khác, Chủ nghĩa tương đối; mọi thứ đều là tương đối, ngay cả Thiên Chúa cũng bị coi là tương đối, rồi đạo nghĩa cũng tương đối luôn… và như vậy, có thể nói thời nay, người ta coi vật chất là trên hết nên dễ dàng bỏ bê đời sống thiêng liêng, là bổn phận cần thiết cho đời sống tâm linh của người Kitô hữu hôm nay.
Có lẽ thấy được thực trang thời đại như vậy, nên tại những giáo xứ, các cha xứ, cha tuyên úy hết sức ưu tư và quan tâm đến việc giáo dục đức tin cho các em Thiếu Nhi của giáo xứ. Vì thế, sau khi tổ chức thánh lễ khai giảng năm học lớp giáo lý cho các em, giáo xứ tổ chức buổi mặt họp phụ huynh của các em Thiếu Nhi, để tạo một mối dây liên kết giữa cha mẹ và các Giáo lý viên trong việc đồng hành và giáo dục đời sống đức tin cho các em ngay từ khi còn bé, đồng thời giúp phụ huynh biết quan tâm đến đời sống tâm linh của con mình.
Thực ra, vai trò của các Giáo lý viên cũng khá quan trọng trong việc giáo dục đức tin và nhân bản cho các em nhưng cha mẹ “phải là nhà giáo dục đầu tiên và chính yếu của con cái”.[1] Còn các Giáo lý viên chỉ người phụ giúp cha mẹ đồng hành với con cái họ trong sứ mệnh giáo dục này.
Khi một đứa trẻ lớn lên có một thân thể khỏe manh và cường tráng là nhờ cha mẹ biết cách chăm sóc cho con mình cần phải uống sữa nào tốt, ăn những loại thực phẩm nào có đầy đủ chất dinh dưỡng. Cũng vậy, việc giáo dục đức tin cho con cái, cha mẹ cũng cần phải quan tâm và hàng ngày nhắc nhở chúng tham dự thánh lễ, tham gia học các lớp giáo lý, giúp con cùng học và ôn lại các bài giáo lý. Trong khi giúp con học giáo lý ở nhà là cha mẹ cũng có dịp học thêm về giáo lý, vì không phải cha mẹ nào cũng hoàn toàn hiểu hết về giáo lý.
Ngoài ra, Cha mẹ cần tổ chức buổi đọc kinh tối trong gia đình mỗi ngày để giúp cho con cái biết cầu nguyện với Chúa trước khi làm bất cứ việc gì; khi gặp điều vui hay thành công trong cuộc sống biết tạ ơn Chúa, đối diện với nỗi buồn hay thất bại biết chạy đến phó thác nơi Chúa, vì “ta không thể làm được gì nếu không có ơn Chúa” (Ga 15, 5). Mặt khác, cha me cũng phải là mẫu gương cho con cái, không chỉ là mẫu gương thôi mà còn đem con cái mình đến gần với Thiên Chúa nữa.
Khi được các Giáo lý viên quan tâm và nhắc nhở với phụ huynh về con cái mình bỏ tham dự thánh lễ hay lớp học giáo lý, hoặc có những hành vi “ngỗ nghịch” trong lớp hay trong nhà thờ, Cha me nên cộng tác, tìm cách khuyên dạy và cách khuyến khích con cái mình, nhất là giúp chúng hiểu ý nghĩa của đời sống tâm linh cần thiết như thế nào trong đời sống Kitô hữu, hầu giúp chúng thấy được tầm quan trọng của việc tham dự thánh lễ cũng như học giáo lý là để nhận biết được ơn Chúa ban hàng ngày và biết yêu mến mọi người chung quanh.
Như vậy, việc giáo dục đức tin cho con cái là trách nhiệm quan trọng của các bậc Phụ huynh. Đây cũng là một sự giáo dục toàn diện về con người, không chỉ dừng lại việc làm cho một con người trở thành hữu ích cho giáo hội, xã hội, đất nước mà còn có khả năng trở thành con của Chúa, thành công dân nước trời.
Ước mong các bậc cha mẹ công giáo thời nay, dù cuộc sống có bận rộn, bôn bả vả mưu sinh cũng nên dành thời gian quan tâm đến con cái trong đời sống đức tin, để chúng được lớn lên trong tình yêu thương của Chúa, và sự che chở của Đức Trinh Nữ Maria hầu tránh khỏi những đam mê, cám dỗ của thời đại, nhất khỏi rơi vào những tệ nạn xã hội.
Sr. Nguyễn, op