Rèn thói quen giúp con thành đạt trong tương lai

 

 

Nếu muốn con lớn lên thành công, cha mẹ cần giúp con biết cách sống độc lập, không phụ thuộc vào người khác, biết hòa nhập trong môi trường tập thể.

Điều này có thể có được thông qua việc rèn cho con những thói quen của người thành đạt ngay từ tấm bé. Nói như triết gia Aristotle, “chúng ta là những gì mà chúng ta thường làm. Sự xuất sắc không phải là một hành động mà là một thói quen”.

Gặp gỡ phụ huynh tại Hội quán các bà mẹ tại TP HCM mới đây, thạc sĩ Nguyễn Thúy Uyên Phương, giám đốc đào tạo trường ngoại khóa Tomato cho biết, những thói quen của một người thành đạt là làm chủ bản thân, có mục tiêu – luôn chuẩn bị, biết sắp xếp, tư duy cùng thắng, lắng nghe để được chia sẻ, hòa đồng và hợp tác, rèn giũa bản thân.

Đây chính là “7 thói quen để thành đạt” qua sự đúc kết của nhà giáo dục nổi tiếng Stephen R Covey. Sau đó, con trai ông là Sean Covey đã viết lại thành cuốn truyện tranh “7 thói quen để trẻ trưởng thành” dành riêng cho lứa tuổi thiếu nhi. “7 thói quen” đã được đưa vào giảng dạy và thành công tại nhiều trường tiểu học trên thế giới. Nó cũng là cơ sở cho một chương trình ngoại khóa rèn luyện bản thân dành cho trẻ tiểu học ở Việt Nam.

Theo bà Uyên Phương, cha mẹ có thể rèn luyện cho con thói quen này thông qua những câu chuyện và trải nghiệm thực tế.

 

Thói quen 1: Làm chủ bản thân

Làm chủ bản thân cũng có nghĩa là trẻ biết tự chịu trách nhiệm với những jhành động, cảm xúc của mình. Kết quả của thói quen này là bé tự tin và luôn cố gắng hết sức trong những việc mình làm. Bé biết làm chủ hành vi, cảm xúc và thái độ của mình, không đổ lỗi cho hoàn cảnh. Bé biết vâng lời và làm việc tốt, ngay cả khi không có ai giám sát.

Cha mẹ có thể giúp con rèn thói quen này bằng những việc làm cụ thể như dạy con biết xin lỗi khi sai, dạy con biết làm những việc phục vụ bản thân mình… và khuyến khích con làm một việc gì đó mà trước đây con vẫn sợ.

 

Thói quen 2: Có mục tiêu và luôn chuẩn bị

Bé cần được dạy cách lập mục tiêu và lên kế hoạch cho bản thân. Từ đó, bé luôn suy nghĩ kỹ càng và chuẩn bị tốt trước khi làm một việc gì đó. Bé hiểu rằng những lựa chọn ở hiện tại sẽ quyết định tương lai của bé.

Cha mẹ có thể dạy con viết những mục tiêu ra giấy trước khi thực hiện. Có rất nhiều loại mục tiêu, từ mục tiêu trong một khoảng thời gian ngắn, ví dụ ngày hôm nay bé làm xong bài tập, vẽ xong bức tranh, đến mục tiêu dài hạn hơn, như cuối năm học con đạt học sinh giỏi. Cha mẹ cũng có thể hỏi con xem con muốn làm gì khi lớn lên.

 

Thói quen 3: Biết sắp xếp các công việc

Cha mẹ hãy giúp bé xác định những việc bé phải ưu tiên làm trước, dựa trên hai tiêu chí: mức độ quan trọng và khẩn cấp của công việc, ví dụ học trước chơi sau. Rèn thói quen này cũng có nghĩa bé biết tập trung vào việc đang làm, không để cho những thứ khác làm xao nhãng. Bé biết dành thời gian cho những việc quan trọng nhất. Nếu ta không dạy cho trẻ biết ưu tiên những việc cần thiết trước thì trẻ sẽ không biết cách sắp xếp công việc một cách hợp lý.

Trong các thói quen, thói quen này rất khó tập vì chúng ta thường có xu hướng làm những việc dễ hay những việc mình thích trước. Cha mẹ hãy giúp trẻ hiểu rằng, trẻ vẫn phải làm cả những việc mình không thích.

Bài tập ứng dụng: Sắp xếp những công việc con cần làm trong buổi tối: ăn cơm, tắm, làm bài, đánh răng, xem tivi/ Con hãy nói nhiệm vụ quan trọng nhất của con là gì: tập đàn, trông em, làm bài tập…/ Con thử làm một việc con đã trì hoãn từ lâu.

 

Thói quen 4: Tư duy cùng thắng

Tư duy cùng thắng chính là dạy bé nghĩ đến lợi ích của người khác như của chính mình. Khi gặp một vấn đề rắc rối với người khác, bé biết tìm cách giải quyết sao cho cả hai bên cùng hài lòng, hai bên cùng có lợi. Rèn được thói quen này, bé sẽ tử tế và luôn hành động để giúp người khác vui vẻ, đồng thời chính bé cũng sẽ được vui vẻ hơn.

Ví dụ, khi bé và em giành đồ chơi với nhau, bé thử nghĩ ra giải pháp nào mà cả hai cùng vui?

 

Thói quen 5: Lắng nghe và chịu chia sẻ

Nhu cầu lớn nhất trong sâu thẳm của mỗi người chính là được thấu hiểu. Hãy giúp bé biết lắng nghe và để ý đến cảm xúc của người khác. Dạy bé biết tôn trọng quan điểm của người khác, kể cả khi nó không giống với quan điểm của bé. Dạy bé chịu mở lòng chia sẻ và tìm kiếm sự giúp đỡ khi gặp khó khăn.

Thực tế, nhiều người không lắng nghe để hiểu mà lắng nghe để đối đáp và áp đặt. Ngay cả chính cha mẹ cũng vậy. Lắng nghe áp đặt sẽ khó tìm ra tiếng nói chung, còn lắng nghe thấu hiểu giúp ta dễ tìm được giải pháp giải quyết vấn đề hơn.

Bài tập dành cho bé: Hãy thử không nói trong một tiếng đồng hồ và quan sát xem những người xung quanh như thế nào/ Hãy nói ai là người con thích nói chuyện cùng nhất, vì sao,,,

 

Thói quen 6: Hòa đồng và hợp tác

Hãy dạy bé biết trân trọng điểm mạnh, điểm khác biệt của người khác và chịu khó học hỏi từ họ. Bé biết tham khảo ý kiến của người khác, hiểu rằng “hai cái đầu thì tốt hơn một”. Từ đó, bé hòa hợp với mọi người và làm việc tốt trong một tập thể.

Bài tập dành cho bé: Viết ra những điều con thấy mình giỏi, những điều con thấy người khác giỏi

 

Thói quen 7: Rèn giũa bản thân

Dạy bé biết chăm sóc bản thân mình bằng cách ăn uống, nghỉ ngơi, luyện tập đầy đủ và đúng giờ. Dạy bé biết cân bằng thời gian giữa việc học, việc chơi, gia đình, bạn bè… Từ đó, bé luôn nỗ lực làm mới bản thân bằng cách không ngừng học hỏi cái hay, cái mới.

Nếu ba thói quen đầu tiên giúp trẻ độc lập, không phụ thuộc vào người khác thì ba thói quen tiếp theo giúp bé có khả năng hòa đồng với xung quanh và thành công trong môi trường tập thể. Riêng thói quen thứ 7 có ý nghĩa bao trùm tất cả.

Tuy nhiên, việc rèn giũa bản thân không hề dễ dàng, với không chỉ trẻ con mà ngay cả người lớn. Chúng ta thường cảm thấy mệt khi thấy có nhiều thứ phải làm, phải thay đổi. “Một nghìn nhát búa bổ vào cành lá không bằng một nhát vào gốc rễ”, vì thế hãy thay đổi những cái căn bản nhất.

Đôi khi trẻ không có động lực hay cảm hứng để rèn bản thân, đặc biệt nếu cha mẹ thường xuyên chê bai con. Bà Uyên Phương khuyên, nếu bạn muốn con trở thành người như thế nào, hãy cư xử với con như thể con đã là người đó. Việc dán nhãn cho con là tối kỵ, khiến trẻ sẽ không còn động lực phấn đấu. Cha mẹ chỉ nên khen chê nỗ lực và hành động của con, chứ không khen chê con người con.

Cố gắng nhưng không thấy kết quả cũng là lý do khiến việc rèn luyện bản thân khó khăn. Khi chán, hãy dừng lại, suy nghĩ và lựa chọn giải pháp phù hợp.

Dễ buông xuôi, sức ì cũng là một trở ngại việc rèn luyện. Vì vậy, cần phải duy trì một nhịp độ rèn luyện đều đặn. Có thể tìm người giám sát sự rèn luyện của mình và đặc biệt cần phải kiên nhẫn.

 

Kim Kim

Tin liên quan

Để lại một bình luận

Tel: 0968428072