Sự công chính của Thiên Chúa là lòng thương xót
“Mối tương quan giữa lòng thương xót và công lý trong ánh sáng của Kinh Thánh” là chủ đề bài giáo lý của Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi tiếp kiến chung hôm thứ Tư 03-02 tại Quảng trường Thánh Phêrô với hơn 10.000 người tham dự.
Đức Thánh Cha nói: “Kinh Thánh trình bày Thiên Chúa như lòng thương xót vô hạn, nhưng cũng là công lý hoàn hảo. Làm sao dung hoà hai hình ảnh này? Hai khái niệm xem ra mâu thuẫn, nhưng không phải thế, vì chính lòng thương xót của Thiên Chúa dẫn đưa chúng ta đến chỗ thực thi công lý đích thực. Trong nền công lý của con người, chúng ta thấy rằng những người cho mình là nạn nhân chạy đến tòa án để đòi thực thi công lý. Đó là một nền công lý trừng trị, giáng phạt kẻ phạm tội, theo nguyên tắc mỗi người phải lãnh lấy những gì mình đáng chịu. … Nhưng con đường này không dẫn đến công lý đích thực, như trong thực tế nó không thắng được điều ác, mà chỉ đơn giản là hạn chế điều ác. Thay vì thế, chỉ khi dùng điều tốt đáp lại điều ác thì điều ác mới thực sự bị khuất phục”.
Đức Thánh Cha giải thích: Kinh Thánh đưa ra một hình thức công lý khác, trong đó nạn nhân mời gọi người có tội hoán cải, giúp người ấy hiểu được những thiệt hại họ đã gây ra và kêu gọi lương tâm của họ. “Bằng cách này, khi nhìn nhận tội lỗi của mình, người ấy có thể mở ra để đón nhận sự tha thứ của người bị hại. … Đây là cách giải quyết xung đột trong gia đình, trong tương quan vợ chồng, tương quan giữa cha mẹ và con cái, trong đó người bị tổn thương yêu mến người gây nên tội và không muốn mất đi mối tương quan giữa họ. Đó chắc chắn là một con đường khó khăn: nó đòi hỏi nạn nhân phải sẵn sàng tha thứ và mong muốn sự cứu rỗi và điều lành cho người gây thiệt hại. Nhưng chỉ có như thế công lý mới chiến thắng, vì nếu người gây nên tội nhìn nhận những thiệt hại mình đã làm và sẽ không làm như thế nữa, thì cái xấu sẽ không còn tồn tại và điều bất công sẽ trở nên công bằng, khi người ấy đã được tha thứ và giúp đỡ để tìm ra con đường nên tốt”.
“Thiên Chúa cũng đối xử với chúng ta là những người tội lỗi như thế. Ngài vẫn luôn tha thứ cho chúng ta, giúp chúng ta đón nhận Ngài và ý thức điều xấu xa mình đã làm để ra khỏi điều xấu. Thiên Chúa không tìm kết án chúng ta, nhưng cứu rỗi chúng ta. Thiên Chúa không muốn kết án bất cứ ai! … Chúa của Lòng thương xót muốn cứu tất cả mọi người. … Vấn đề là chúng ta hãy để cho Ngài đi vào trong cõi lòng chúng ta. Tất cả những lời của các ngôn sứ là lời yêu thương tha thiết kêu gọi chúng ta hoán cải”.
Trái tim của Thiên Chúa là “Trái tim của một người Cha yêu thương tất cả con cái mình và muốn chúng được sống trong sự tốt lành và trong công lý, tức là sống sung mãn và hạnh phúc. Trái tim của một người Cha vượt ra khỏi khái niệm hạn hẹp của chúng ta về công lý để mở rộng đến những chân trời bao la của lòng thương xót của Ngài. Trái tim của một người Cha không đối xử với chúng ta hay trả cho chúng ta theo tội lỗi chúng ta, như Thánh vịnh đã nói”.
Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Chúng ta gặp được chính trái tim của Chúa Cha khi chúng ta đến tòa giải tội, để chúng ta hiểu rõ hơn về tội của mình. Nhưng tại toà giải tội, mọi người chúng ta đều đi tìm một người cha sẽ giúp mình thay đổi cuộc sống, một người cha cho chúng ta sức mạnh để tiếp bước, một người cha nhân danh Thiên Chúa tha thứ cho chúng ta”.
Kết luận, Đức Thánh Cha nói với các linh mục: “Thế nên, cha giải tội có một trách nhiệm rất lớn, khi một người con đến với anh em để gặp một người cha. Và anh em linh mục, anh em ngồi đó nơi toà giải tội, là nơi mà Chúa Cha thực thi công lý bằng tấm lòng thương xót của Ngài”.
(VIS)