Sự hiệp nhất của Giáo hội Công giáo sẽ bị đe dọa

by Phanxicovn

belgicatho.be, François Vercelletto, 2022-03-29

http://phanxico.vn/wp-content/uploads/2022/03/su-hiep-nhat-3.jpg

Phỏng vấn nhà xã hội học tôn giáo Jean-Louis Schlegel

Nhà xã hội học tôn giáo, cựu giám đốc biên tập tạp chí Esprit, Jean-Louis Schlegel phân tích lý do cuộc khủng hoảng ảnh hưởng đến một thể chế bị đe dọa, trong khi Đức Phanxicô là đối tượng bị chỉ trích gay gắt của những người theo trào lưu truyền thống.

Công giáo đang trải qua giai đoạn khủng hoảng trầm trọng, đâu là các triệu chứng của nó?

Jean-Louis Schlegel: Ở Pháp và các nơi khác ở Châu Âu, mặc dù ở mức độ thấp hơn, nhưng trước tiên, chúng tôi nhận thấy sự suy giảm chung trong việc giữ đạo. Đi lễ ngày chúa nhật – trên nguyên tắc là bắt buộc! – thì bây giờ dưới 2%. Tất cả các “dấu chỉ bí tích” khác – rửa tội, thêm sức, hôn phối – cũng như ghi tên học giáo lý, tuyên xưng đức tin, ngay cả chôn cất theo nghi thức tôn giáo đều ở mức báo động đỏ. Ơn gọi linh mục vẫn rất thấp, khoảng một trăm linh mục chịu chức mỗi năm (cho 800 linh mục qua đời hoặc ra đi), một phần tư trong số các tân linh mục là từ các cộng đoàn “truyền thống” như cộng đoàn Thánh Máctinô hoặc các cộng đoàn khác. Hai năm trước, một cuộc khảo sát của Ifop cho thấy chưa đến 50% người Pháp tin vào Chúa.

Nhưng thống kê này chỉ liên quan đến các nước phương Tây. Chưa bao giờ có nhiều người công giáo trên thế giới như bây giờ…

Đúng vậy, số liệu thống kê do Vatican công bố mỗi năm đều tăng lên, đặc biệt số linh mục ở một số khu vực trên thế giới, như ở châu Á (đặc biệt Ấn Độ) và châu Phi. Nhưng ngay sau khi nền dân chủ hiện đại với các quyền tự do và chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa tiêu dùng áp đặt như ở Ba Lan hay Croatia, thì số người giữ đạo sẽ giảm xuống. Và nếu quan sát kỹ hơn, chúng ta sẽ thấy có một chênh lệch mạnh mẽ: ví dụ, các nữ tu giảm mạnh ở châu Phi và những nước khác. Chúng ta có nên ngạc nhiên không?

Xu hướng này có tăng nhanh sau khi các tội phạm tình dục được tiết lộ không?

Điều đã thực sự làm rung chuyển Giáo hội, hơn bất cứ điều gì khác, đó là tiết lộ mọi hình thức lạm dụng tình dục và thiêng liêng “có hệ thống” trong ba mươi năm qua. Và chúng ta chỉ bắt đầu có những cuộc điều tra nghiêm túc ở một vài nước. Chúng ta chưa thấy gì ở những nước công giáo lớn nhất Ý hoặc Tây Ban Nha, và chỉ thấy ít ở Ba Lan… Và chúng ta sẽ thấy gì sau các cuộc điều tra ở châu Phi, châu Á, châu Mỹ Latinh? Chúng ta có thể mong đợi những điều cực kỳ đáng buồn.

Việc bầu Đức Phanxicô tháng 3 năm 2013 đã nuôi nhiều hy vọng. Tuy nhiên, ngài đang bị chỉ trích dữ dội…

Đúng, gần như ngay lập tức, từ các trào lưu truyền thống. Những tấn công nhắm vào con người ngài với quy mô và bạo lực vô song. Có lẽ hơn cả Đức Gioan-Phaolô II và Đức Bênêđíctô XVI, giáo hoàng Bênêđíctô XVI là giáo hoàng “theo ý họ”, và buồn phiền vì một giáo hoàng đã cắt đứt hoàn toàn với Đức Bênêđíctô XVI, vượt quá khả năng có thể đón nhận một tân giáo hoàng của họ. Cũng cần phải nói, ngược với Đức Bênêđíctô XVI, Đức Phanxicô cho thấy, các cuộc thảo luận để đưa họ trở lại “nếp sống” của Giáo hội theo Công đồng Vatican II là vô ích. Nhìn lại, mùa hè năm ngoái, về các dễ dàng của Đức Bênêđíctô XVI cho phép thực hành các nghi thức cổ xưa – thánh lễ bằng tiếng la-tinh –, Đức Phanxicô đã chấm dứt một chuyện hư cấu, và châm ngòi vào nồi thuốc súng.

Tranh chấp vượt ra ngoài vấn đề tiếng la-tinh…

Dĩ nhiên. Đức Phanxicô lo lắng về sự hiệp nhất của Giáo hội. Ngài nhận thấy việc cho phép cử hành các nghi thức cổ xưa không phục vụ cho việc hòa giải, mà trái lại tạo ra một Giáo hội song song, theo chủ nghĩa truyền thống đối lập với công đồng.

Đâu là những chỉ trích chính của “tradis” với giáo hoàng?

Họ tự xem mình là mẫu mực trung thành của quy tắc đức tin và các đòi hỏi đạo đức của “Giáo hội tự muôn thuở”, ngược với các công đồng tự do mà theo họ “nhận cái này, bỏ cái kia”. Theo những người “tradis” (cử hành thánh lễ theo phụng vụ tiền Công đồng), đó là luật của Chúa và của Giáo hội đã “giữ” các xã hội lại với nhau. Nếu không, đó là tình trạng vô chính phủ. Vì thế họ thấy mình thuộc dòng dõi của Đức Gioan Phaolô II, chống lại tất cả các luật lệ “cho phép” (thuốc ngừa thai, phá thai, ly hôn, sinh con nhờ kỹ thuật y tế, nghiên cứu về phôi thai, v.v.), đó là chưa nói đến hôn nhân đồng tính!

Và về những người nhập cư?

Bài diễn văn của Đức Phanxicô về người tị nạn làm nhiều người “tradis” lúng túng. Đặc biệt là khi những người tị nạn hay di cư phần lớn theo đạo hồi, vì theo họ, những người này gây nguy hiểm cho châu Âu theo kitô giáo.

Đây có phải trong bối cảnh chính trị mà nguồn gốc của nó là đối lập với Cách mạng, nếu không muốn nói là đối lập với nhà nước Cộng hòa.

Họ thực sự là những người thừa kế của một truyền thống chính trị-tôn giáo lâu đời. Nguồn gốc là do chấn thương cách mạng mà Giáo hội đã phải chịu đựng. Chúng ta có thể hiểu được điều này: các cuộc thảm sát tháng 9 năm 1792 vẫn là một sự kiện kinh hoàng. Điều này đã điều kiện hóa các lựa chọn chính trị sau này của Giáo hội: từ chối dân chủ, ủng hộ Napoléon III, phản đối Dreyfus, từ chối luật năm 1905 về sự tách biệt giữa Giáo hội, Nhà nước và chủ nghĩa thế tục, tuần phục chế độ Vichy, bảo vệ Algeria thuộc Pháp…

Dòng sự kiện này có trọng lượng tương đối quan trọng cho sự xóa dần người công giáo theo công đồng không?

Có và không. Về số liệu tuyệt đối, dòng sự kiện này chắc chắn không đại diện gì nhiều nhưng nó được tìm thấy trong Giáo hội trong hơn ba mươi năm qua, một sự hồi phục nào đó ngay cả ở giới trẻ công giáo. Họ có thể là người chống lại tinh thần thời đại và chủ nghĩa cá nhân. Bây giờ chúng ta có thể nói chính xác hơn, đó là “những người bảo thủ”, những người không phải có cùng mức độ “chống-Phanxicô”, không nhất thiết phải là người “phò thánh lễ la-tinh”. Nhưng cốt lõi bảo thủ này có xu hướng ngày càng đại diện cho phần lớn những người vẫn còn giữ đạo. Chúng ta thấy họ bứt rứt trong thời gian cách ly và những xung đột cho phép cử hành hay không cử hành thánh lễ. Và họ được hưởng lợi trong tình hình chính trị-văn hóa thuận lợi: chẳng hạn ý tưởng về quá khứ Pháp của một ứng cử viên tổng thống Éric Zemmour nào đó… Nhưng chúng ta cũng phải tự đấm mình khi thấy một triết gia như Michel Onfray, kẻ hủy diệt tín hữu kitô giáo vĩ đại, phỉ nhổ Đức Phanxicô và khẳng định thánh lễ la-tinh nằm trong di sản quốc gia!

Dòng sự kiện khác – dòng công đồng – đang trên đường tuyệt chủng sao?

Chắc chắn. Thứ nhất, hơn năm mươi năm đã trôi qua kể từ Công đồng Vatican II. Thế hệ này đã ở tuổi bảy mươi… đó là những người trẻ nhất. Và thế hệ này đã không có người nối dõi niềm tin của họ (họ không phải là người duy nhất…). Nhưng cũng phải nói Đức Gioan-Phaolô II – giáo hoàng của nhân quyền, nhưng cũng là người bảo thủ kinh khủng – rồi Đức Bênêđíctô XVI cũng không làm một cải cách nào mà còn cố gắng khôi phục lại cái cũ hoặc án binh bất động. Kết quả là: nhiều người thuộc thế hệ công đồng thất vọng và từ từ nhón gót ra đi từ mấy chục năm qua.

Bây giờ họ như thế nào?

Một số không còn giữ đạo hoặc chỉ thỉnh thoảng. Nhưng nhiều người dấn thân làm việc từ thiện theo nghĩa rộng nhất: các hiệp hội đoàn kết, các tổ chức phi chính phủ, phong trào Cứu trợ Công giáo, Cứu trợ Bình dân, “phục vụ” trong lãnh vực chính trị như làm thị trưởng hoặc ủy viên hội đồng thành phố trong đời sống công cộng ở địa phương, đôi khi họ quên phục vụ giáo xứ…

Điều làm họ khác biệt với những người “tradis” là họ không muốn thành lập một Giáo hội khác, nhưng biến đổi nó…

Chắc chắn rồi. Điều rất quan trọng cần phải nhấn mạnh ở đây. Đó là hai quan niệm khác nhau về Giáo hội. Các “tradis” không ngần ngại lập một Giáo hội nhỏ song song và đồng nhất (mô hình mà các nhà xã hội học gọi là “bè phái”). Ngược lại, với những người thuộc thế hệ công đồng, họ chủ trương phải có một cuộc cải cách lớn cho Giáo hội, theo tinh thần Công đồng Vatican II. Họ muốn toàn thể Giáo hội về với nguồn của mình là Tin Mừng và Sách Thánh. Sau công đồng, nhiều người trong số họ tham dự vào các nhóm đọc và học Phúc âm và Sách Thánh theo các nhà chú giải gần đây nhất. Chúng ta cần nhắc lại ở đây, trước đây các gia đình công giáo không đọc Thánh Kinh trong nhà. Khi đọc lại, họ tìm thấy một hình thức tự do trong đức tin và trong tương quan với một truyền thống được cho là vĩnh cửu, nhưng trong thực tế đã đi xuyên suốt lịch sử từ đầu này qua đầu kia.

Nhưng họ cho rằng Vatican II đã dừng lại giữa đường…

Tôi ở trong những người nghĩ, giống như nhà thần học Hans Küng, một người bạn mà tôi đã dịch và xuất bản nhiều sách của ông, và nhiều người khác cho rằng không có “quá nhiều công đồng” nhưng trên thực tế có quá ít người áp dụng công đồng. Công đồng đã có những văn bản tuyệt vời, đầy sức sống và giải phóng, nhưng sau đó, cần phải chuyển qua cải cách cụ thể, chẳng hạn cương vị của phụ nữ, phong chức cho các ông đã kết hôn, phương thức bổ nhiệm giám mục, v.v. Không phải để “cứu Giáo hội” nhưng vì những cải cách này tương ứng với một chân lý và một đòi hỏi “dân chủ” của thời đại chúng ta. Nhưng không có những bước tiếp theo các thực hành này. Ngược lại, mọi thứ đều bị hãm phanh lại. Chưa kể đến thông điệp Sự sống Con người, Humanae vitae năm 1968: lên án việc tránh thai (chống lại phần lớn ủy ban thần học công đồng tạo ra), Đức Phaolô VI đã tạo một tình trạng bất ổn khủng khiếp vì người công giáo bắt đầu sống trong giả dối. Hầu hết phụ nữ đều uống viên thuốc này trái với luật Giáo hội, kể cả những vợ chồng giữ đạo, vì những lý do chính đáng.

Nghe ông nói thì hai nhánh này gần như không thể hòa hợp với nhau được…

Đúng, nhưng theo tôi, trên hết là vì những lý do chính trị, hoặc vì truyền thống chính trị rất đậm nét, dù ở những mức độ khác nhau, mà trào lưu phản công đồng kế thừa do kẻ xúi giục chính, tổng giám mục người Pháp Marcel Lefebvre… khi mọi thực hành văn hóa phải giữ khoảng cách với chính trị, hoặc “giữ trung lập” với chính trị, thì nó lại nhầm theo nghĩa đen với chính trị! Tôi tâm sự với bạn một chuyện: Tôi thích thánh ca gregorian và thỉnh thoảng tôi có thể dự một “thánh lễ la-tinh”. Nhưng trong những điều kiện hiện nay, như thế tôi sẽ dự vào một buổi quy tụ có tính cách chính trị mà tôi thật sự không hoàn toàn chia sẻ các lựa chọn của họ, vì thế không có chuyện tôi sẽ đi đến những buổi lễ này.

Sau khi báo cáo Sauvé được công bố, có nhiều vụ từ chức bất ngờ như vụ của tổng giám mục Aupetit, giáo phận Paris. Có phải Giáo hội Pháp đang trong cơn bão không?

Đúng là cơn bão, dù tôi có cảm giác Giáo hội bắt đầu yên tĩnh lại… trong khi chờ phần tiếp theo, điều này dường như không rõ ràng. Vào tháng 11, tại Lộ Đức, Hội đồng Giám mục Pháp quyết định thực hiện khuyến nghị 45 của Ủy ban Sauvé về bạo lực tình dục trong Giáo hội. Nhưng, rất nhanh chóng, Rôma kiểm soát những gì Giáo hội Pháp sẽ làm. Rõ ràng là nhiều điểm – đào tạo trong các chủng viện, địa vị dành cho phụ nữ… – không đạt được trình độ của người Pháp. Tôi tò mò muốn xem tự do của Giáo hội Pháp sẽ như thế nào. Tôi khá bi quan. Tôi không nghĩ xu hướng thật sự cần cải cách hiện nay lại ở về phía Vatican.

Nhưng, năm 2022, Đức Phanxicô đã triệu tập một thượng hội đồng… về tính đồng nghị.

Chúng ta có thể đơn giản diễn giải mục tiêu của nó như sau, đại hội đồng giám mục này sẽ phản ánh (với nhiều khách mời khác) về một cách hoạt động tập thể hơn của Giáo hội, gồm sự tham gia và công nhận của tất cả mọi người, từ cấp cơ sở đến cấp cao nhất. Cái gì có thể thoát ra từ cuộc họp này? Tốt và tốt hơn, chúng ta hãy hết sức hy vọng. Nhưng chúng ta nên nhớ: thượng hội đồng về gia đình (2014) đã đưa ra một cái nhìn thoáng mở cho người ly dị tái hôn được rước lễ, và thượng hội đồng Amazon (2019) đưa ra hy vọng cho việc phong chức các ông đã lập gia đình vì những lý do quan trọng ở những khu vực xa xuôi hiếm có linh mục đến. Tuy nhiên, mọi thứ đều ít nhiều bị từ chối trong hoặc sau đó bị gạt đi.

Chính xác Đức Phanxicô có bị Giáo triều hãm phanh lại không?

Ngay từ đầu, đã là như vậy. Đúng là Đức Phanxicô đã đi hơi mạnh trong bài diễn văn rất phê phán tháng 12 năm 2014 về “15 tệ nạn của Giáo triều”. Tất cả mọi người, kể cả những người ngoài Giáo hội đều thấy thật lớn lao khi một giáo hoàng công kích cách cư xử của các “bộ trưởng” và chính quyền của mình. Nhưng mặt khác, họ cũng là “công chức của Chúa”…, những người không nên “làm việc tay chân” quá, cũng không nên bị thúc ép quá… và những người thích vuốt ve, như mọi người. Đây chắc chắn là một cắt đứt lòng tin giữa một phần Giáo triều và Đức Phanxicô.

Bồi thường cho nạn nhân có nguy cơ làm tê liệt tài chính của các giáo phận Pháp vốn đã suy yếu do giảm đóng góp vì Covid …

Các giáo phận rất khác nhau về động sản và bất động sản (và về số nạn nhân phải bồi thường), nhưng việc bồi thường thì các giáo phận sẽ cùng nhau làm (mỗi người bỏ “vào nồi chung” tùy theo khả năng của mình). Theo báo La Croix ngày 26 tháng 1 năm 2022, Quỹ này có tên “Selam” (Quỹ cứu trợ và chống các hành vi tấn công tình dục trên trẻ vị thành niên) phải thu được 20 triệu âu kim. Liệu số tiền này có đủ không? Nhiều con số cao hơn đã được đưa ra… Nó sẽ phụ thuộc vào số lượng nạn nhân yêu cầu bồi thường tài chính. Nhưng Selam chỉ đề cập đến “trẻ vị thành niên”. Ngoài ra còn có một số lượng đáng kể nạn nhân “người lớn” (lạm dụng tình dục và tinh thần), đặc biệt là phụ nữ.

Giáo hội Pháp có mất ảnh hưởng của mình ở Rôma không?

Có thể. Điều này có liên quan đến số linh mục được tuyển giảm xuống. Có ảnh hưởng ở Rôma có nghĩa là gởi linh mục qua Rôma học, sau đó nếu họ muốn, họ có thể ở lại Rôma làm việc trong các bộ khác nhau. Cũng là quen biết sứ thần này, sứ thần kia và với kỹ năng của họ, như thế sẽ hữu ích cho Giáo triều la-mã. Nhưng ở Pháp, không nhất thiết phải tách các linh mục có khả năng để họ theo đuổi sự nghiệp ngoại giao hoặc các chức vụ giáo hội khác ở Rôma.

Giáo hoàng hình như không tỏ ra quan tâm nhiều đến nước Pháp, ngài chưa có kế hoạch cho chuyến tông du nào.

Đúng rồi. Tôi tự hỏi nếu ngài không buộc phải đến những nước nhiều hiển hiện hơn Pháp, một đất nước ngài vẫn được đón nhận “nhiều hơn cả”. Ngài cũng không muốn đóng vai trò là người thế chân như Đức Gioan-Phaolô II cho các Giáo hội châu Âu đang gặp nguy hiểm, ngài đến Anh, nơi Giáo hội theo anh giáo, đến Thụy Điển của giáo hội tin lành. Dường như Đức Phanxicô thích đến các quốc gia nguy hiểm như gần đây ngài đi Iraq. Chắc chắn ngài sẽ rất vui khi đến Lộ Đức như các tiền nhiệm của ngài, nhưng tôi có cảm tưởng ngài không muốn đến thăm những nước giàu, hoặc những nơi quá dễ dàng. Dù sao, ngài là giáo hoàng mời chúng ta đến “vùng ngoại vi” và ngài làm những gì ngài nói.

Trước toàn cảnh này có nên triệu tập một tân công đồng không?

Xem xét lại tất cả các loại thay đổi vật chất kể từ những năm 1960, chắc chắn phải nghĩ một cách hoàn toàn khác. Chúng ta nhớ, Công đồng Vatican II có 2.500 giám mục họp, và bây giờ là hơn 5.000 giám mục sẽ phải triệu tập! Mọi thứ được tổ chức theo cách cũ năm 1962-1965 cũng như Vatican I năm 1870, ngay cả Công đồng Trent (1545-1563), chỉ đơn giản với các phương tiện kỹ thuật mới. Trước tiên, chúng ta có nên phân quyền một hệ thống mà việc tập trung hóa có điều gì đó điên rồ về nó không? Tổ chức các công đồng theo châu lục hay theo vùng văn hóa? Khôi phục quyền lực thực sự cho các hội đồng giám mục quốc gia? Công đồng Vatican II đã thiết lập chúng, nhưng Đức Gioan-Phaolô II đã phá bỏ chúng (năm 1998) vì lợi ích của mỗi giám mục, người kế vị các tông đồ trong giáo phận của mình, và quyết định cuối cùng các hội đồng giám mục thực chất chỉ là cơ cấu hành chính. Chắc chắn, các hội đồng này làm cho đời sống Rôma dễ dàng, để cung cấp thông tin lên xuống. Nhưng theo Đức Gioan-Phaolô II, các “công cụ kỹ thuật” này đơn giản không liên quan gì đến Tin Mừng. Ngài có thể cho các công cụ này nhiều ý nghĩa và quyền lực thần học hơn, nhưng ngài muốn lấy đi những gì ít ỏi họ có.

Giải tập trung bị hỏng..

Sự tập trung hóa, là chiều dọc của quyền lực đã tăng từ năm mươi năm nay trong Giáo hội đến độ quá mức. Làm thế nào một thể chế khổng lồ như vậy lại quản trị nghiêm túc được? Những vấn đề nghiêm trọng về sự tin tưởng lẫn nhau giữa Rôma và các Giáo hội địa phương liên tục nảy sinh. Nhưng người ta thích tính phổ quát của Giáo hội, giống y hệt Rôma cho đến tận cùng Châu Đại Dương hay Amazon…

Ông có phải là nhà xã hội học Công giáo, trước hết do động lực phê phán Giáo hội không?

Trong Giáo hội công giáo có truyền thống vâng lời và phục tùng, điều này không liên quan nhiều đến tình yêu đích thực cho Giáo hội, có một phê phán xã hội học do động lực, ngày nay do quan tâm đến sự sống còn của Giáo hội, chứ không phải muốn phá hủy nó. Một phê phán với những lập luận, nhưng chắc chắn không tự cho là “không thể sai lầm”.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Để lại một bình luận

Tel: 0968428072