Ta hài lòng về Người (12.01.2020 – Chúa Nhật – Chúa Giêsu chịu Phép Rửa)

 

 

Đức Giêsu là Đấng thánh thiện, Đấng cứu độ những tội nhân.
Nhưng Ngài lại không tránh xa họ, tách biệt khỏi họ vì sợ lây ô uế.
Ngài giao du với họ, ăn uống với họ, đến thăm nhà của họ…
“Tôi đến để kêu gọi người tội lỗi” (Mt 9,13).
Đó là ơn gọi, là mục đích của đời Ngài, cho đến chết.
Ngài đã chết như một tử tội chịu đóng đinh giữa hai anh tử tội khác.
Bởi đó chúng ta không lấy làm lạ khi thấy ngay từ đầu sứ vụ công khai
Đức Giêsu, Đấng vô tội, đã đứng chung với đám đông đến thú tội,
Và chờ đến lúc được Gioan làm phép rửa.
Liên đới với các tội nhân là nét đặc trưng của cả cuộc đời Đức Giêsu.

Khi nghe lời mời gọi của Gioan vang lên từ hoang địa: “Hãy hối cải”
Đức Giêsu đã đi theo dòng người từ khắp nơi đến với ông.
Đấng quyền thế hơn Gioan, Đấng sẽ làm phép rửa trong Thánh Thần,
Đấng ấy lại đến với Gioan để nhận phép rửa của ông nơi sông Giođan.
Đức Giêsu có biết những gì sắp xảy đến cho Ngài ở dòng sông này không?
Ngài có biết là Thần Khí Thiên Chúa sẽ ngự xuống trên Ngài không?
Ngài có biết Cha sẽ mở ra các tầng trời để ngỏ lời giới thiệu Ngài không?
Nếu đây là một bất ngờ cho Đức Giêsu thì thật là một bất ngờ thú vị. 

Ba Ngôi Thiên Chúa đang hiển linh nơi con sông này.
Thánh Thần ngự xuống và ở lại trên Đức Giêsu mãi mãi.
Và Đức Giêsu mãi mãi là Con yêu dấu của Cha, làm Cha hài lòng.
Như thế Đức Giêsu có tương quan gần gũi với cả Cha và Thánh Thần.
Gặp Đức Giêsu là gặp được Ba Ngôi Thiên Chúa.
Nơi Con Người đứng dưới dòng sông, Thiên Chúa Ba Ngôi hiển linh. 

Nhờ tiếng của Chúa Cha nói về Con
mà chúng ta biết được Đức Giêsu thực sự là ai.
Ngài là Con của Cha, là Đấng Mêsia, là Vua, và là Người Tôi Trung.
Hơn nữa, nhờ những biến cố từ trời trên đây
mà Đức Giêsu nghe được tiếng Chúa Cha mời gọi lên đường,
từ giã làng Nadarét, nơi Ngài đã sống và lao động mấy chục năm.
Giờ đây Đức Giêsu thấy mình được xức dầu để thi hành một sứ mạng.
Đời Ngài mở sang một trang mới sau khi chịu phép rửa của Gioan. 

Khi muốn giữ trọn đức công chính, muốn làm theo ý Cha,
Đức Giêsu đã chấp nhận mình như một tội nhân đang hối cải.
Chính khi Ngài dìm mình xuống trong nước, như một từ bỏ trọn vẹn,
thì Chúa Cha lại nâng Ngài lên bằng một lời ca ngợi (Mt 3,17).
Chính khi Ngài khiêm hạ để cho Gioan ban phép rửa,
Ngài lại được hiển linh sáng láng cùng với Chúa Cha và Thánh Thần. 

Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa nhắc chúng ta về bí tích Thánh Tẩy.
Chúng ta cũng được chịu phép rửa nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi,
được xức dầu để lãnh nhận dấu ấn của Chúa Thánh Thần,
được tháp nhập vào Đức Kitô và trở nên chi thể của Hội Thánh.
Làm sao để Chúa Cha có thể gọi chúng ta là con cái yêu dấu,
vì ta “hằng làm những điều đẹp ý Cha” như Đức Giêsu (Ga 8,29)?
Làm sao để Thánh Thần luôn ở lại trên ta
và chi phối toàn bộ mọi chọn lựa của đời ta?
Làm sao để Bí tích Thánh tẩy giúp ta trở thành nơi Ba Ngôi tỏa sáng? 

Cầu Nguyện: 

Lạy Chúa Giêsu,
Nếu Hội Thánh là ngôi đền thờ
thì xin cho con là một viên đá nhỏ.
Nếu Hội Thánh là một thân thể
thì xin cho con là một phần của thân thể ấy.
Xin cho con nhớ mình đã được thanh tẩy trong Thánh Thần,
và tái sinh trong cuộc sống mới, để trở nên một thụ tạo mới. 

Lạy Chúa Giêsu,
Chúa đã coi cuộc Khổ Nạn của Chúa là một Phép Rửa.
Từ cạnh sườn của Chúa bị đâm thâu trên thánh giá,
dòng nước đã tuôn trào để cứu độ chúng con.
Chúa đã chết để đem lại sự sống cho cả nhân loại. 

Xin đừng để chúng con làm tắt ngọn nến mình đã nhận,
đừng làm hoen ố chiếc áo trắng chúng con đã mang.
Và nhất là xin nhắc cho chúng con nhớ
Bí tích Thánh Tẩy đã đưa chúng con lên đường
để làm chứng cho Chúa bằng cuộc sống thánh thiện,
và làm cho muôn dân thành môn đệ của Chúa.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

Để lại một bình luận

Tel: 0968428072