Tái kết hôn sau khi ly dị “hợp pháp”, xử lý thế nào ?

 

 

Thưa Cha, Hôn nhân của chúng con kết thúc bằng ly dị ngoài ý muốn của con. Con đã cố gắng cứu vãn hôn nhân ấy bằng mọi cách trong khả năng của con nhưng cuối cùng đành phải chấp nhận sự việc. Người ấy muốn chấm dứt với con để chung sống với một đối tượng khác. Một thời gian sau khi ly dị, con trình bày hoàn cảnh đó với Tòa Giám Mục tại địa phương nơi con đang cư ngụ. Sau một thời gian điều tra sự thực thì con nhận được một văn kiện do Tòa Án Hôn Phối của Tòa Giám Mục phê chuẩn là hôn phối đó đã được hủy bỏ và con được phép tái kết hôn theo luật Công Giáo. Sau đó con lại lập gia đình theo nghi thức Công Giáo trong thánh đường và dĩ nhiên đã theo học khóa Giáo Lý Hôn Nhân và trình văn kiện của Tòa Án Hôn Phối với Linh Mục chủ hôn. Thưa Cha, có một số người vẫn đặt câu hỏi về trường hợp của con. Xin Cha đóng góp cho con một ý kiến. Nguyện xin Chúa và Mẹ Maria ban tràn đầy hồng ân xuống cho Cha.

Joseph Pham

Đáp:

Ông Joseph Pham rất thân mến,

Cám ơn ông đã chia sẻ với chúng tôi trường hợp cá nhân của ông. Chúng tôi biết rõ trường hợp của ông như thế nào, nhưng theo những gì ông nêu trong thắc mắc, chúng tôi chỉ có thể nói vắn tắt như thế này:

Theo Luật Giáo Hội, rút ra từ Luật của Thiên Chúa, “Hôn nhân thành nhận và hoàn hợp không thể được tháo gỡ do bất cứ quyền bính nhân loại nào và vì bất cứ lý do nào, trừ lý do tử vong” (GL c. 1141). Tuy nhiên có những trường hợp mà cuộc hôn nhân, bề ngoài xem ra thành sự, nhưng trong thực tế, có lý do nào đó bề trong hay bề ngoài làm cho giao ước hôn nhân không thành sự, thì Giáo Hội, qua các hình thức của tòa án hôn phối, tuyên bố sự bất thành hiệu của cuộc hôn nhân đó mà người ta thường gọi bằng một từ ngữ xem ra không đúng là “tiêu hôn”. Giáo Hội chỉ đơn giản tuyên bố cuộc hôn nhân đó là bất thành chứ không phải là một quyết định hủy bỏ một cuộc hôn nhân thành sự.

Để có thể tuyên bố sự bất thành của một cuộc hôn nhân, Giáo Hội phải qua các thủ tục điều tra để kiểm chứng sự bất thành của cuộc hôn phối. Những bằng chứng của đương sự cũng như của các nhân chứng khác đóng một vai trò rất đáng kể trong phán quyết này. Chính vì thế đương sự và nhân chứng phải có trách nhiệm nói đúng sự thật, không được nói sai hay thêm bớt cố ý bóp méo sự thật.

Trong trường hợp của ông, nếu một cuộc điều tra đã được thực hiện một cách nghiêm chỉnh, và quyết định tòa án đã được ban bố thì ông được tự do không còn vướng mắc gì với cuộc hôn nhân trước (lý do đơn giản là vì cuộc hôn nhân đó không thành)

 

Lm Phi Quang

Tin liên quan

Để lại một bình luận

Tel: 0968428072