Tại sao các linh mục được gọi là cha?

 

catholic-priest.jpg

 

H: Một người bạn tin lành hỏi tôi: “Tại sao chúng ta gọi các linh mục là ‘Cha’ khi Chúa Giêsu bảo chúng ta là đừng gọi bất cứ ai dưới đất là ‘cha’?” Cha sẽ trả lời câu hỏi này thế nào?

Câu hỏi này liên quan đến lời giảng dạy của Chúa Giêsu được tìm thấy trong Tin Mừng Thánh Matthêu, khi Người nói: “Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời.” (Mt 23: 9). Hiểu theo nghĩa đen, chúng ta sẽ phải tự hỏi tại sao chúng ta dùng danh xưng “Cha” khi Chúa Giêsu dường như cấm điều đó. Trước tiên, chúng ta phải nhớ lại bối cảnh của đoạn văn. Chúa Giêsu đang nói về thái độ đạo đức giả của các kinh sư và Biệt phái – các người lãnh đạo tôn giáo thông luật trong đạo Do Thái. Chúa khiển trách họ vì không làm gương sáng; vì họ tạo ra những gánh nặng tinh thần nặng nề cho kẻ khác với các lề luật và quy định khác nhau; vì họ vênh vang cử hành lễ nghi; và vì họ tự nâng mình lên bằng cách tìm các chỗ danh dự, ưa được chào hỏi kính trọng và mang các biểu tượng phô trương. Về cơ bản, các kinh sư và Biệt phái đã quên mất rằng họ đã được gọi để phục vụ Chúa và những người được giao phó cho họ chăm sóc bằng sự khiêm nhường và tinh thần quảng đại.

Trong bối cảnh đó, Chúa Giêsu bảo đừng gọi bất cứ ai dưới đất là “Cha” hay là “thầy” với ý gán cho bản thân mình một thẩm quyền mà còn tùy ở Thiên Chúa và quên đi trách nhiệm của chức trách ấy. Không ai được thay thế hoặc chiếm các đặc quyền này mà phải tôn kính ngôi vị thuộc về Cha trên trời. Như Chúa Giêsu đã nói, chỉ có Cha trên trời là Cha đích thật và chỉ có Đấng Thiên sai là Thầy đích thực. Cũng tương tự vậy, Chúa Giêsu nói: “Ai yêu cha hay yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai hay con gái mình hơn Thầy, thì không xứng với Thầy.” (Mt 10:37). Vì quyền của Cha trên trời và tôn kính Người, Chúa Giêsu gọi Cha trên trời là “Cha” và dạy chúng ta cầu nguyện “Lạy Cha” (Mt 6: 9-13).

Hơn nữa, chính Chúa Giêsu đã dùng danh xưng “cha” chỉ cho một số nhân vật trong các dụ ngôn của Người: Trong dụ ngôn về người phú hộ và người nghèo khó Ladarô, dưới âm phủ, người phú hộ kêu lên: “Lạy cha Ápraham, xin thương xót con” và danh xưng “cha” được nhắc đến ba lần (xem Lc 16: 19-31). Người ta phải tự hỏi: nếu Chúa Giêsu cấm dùng danh xưng “cha”, tại sao Người dạy dân chúng bằng dụ ngôn trong đó các nhân vật gọi danh xưng này? Như vậy xem ra có vẻ mâu thuẫn và ngay cả có thể sẽ gây hiểu lầm cho người nghe. Danh xưng này cũng được ghi trong dụ ngôn người con hoang đàng: Khi trở về, đứa con hoang đàng nói: “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha.” (Lc 15: 11-32) Căn cứ vào lối Chúa dùng danh xưng “cha” trong rất nhiều lời giảng dạy, kể cả khi lặp lại nhiều lần trong điều răn thứ tư, Chúa không có ý cấm gọi một người cha bằng danh xưng “cha”; đúng hơn, Người cấm lạm dụng danh xưng này.

Chúng ta dùng danh xưng ấy theo lối nói thông thường: Chúng ta gọi những người dạy chúng ta và dạy những người khác là “thầy”; thân phụ của chúng ta là “cha”; và các người lãnh đạo Do Thái giáo là “rabbi (thầy)”. Nhất là theo ý nghĩa tôn giáo, những người phục vụ Chúa và thay quyền Người được gọi là thầy, là cha, đặc biệt là linh mục, họ phải lo chu toàn mục vụ một cách sốt sắng, khiêm tốn và quảng đại. Dùng quyền này để tự đề cao là thái độ giả hình thuần túy. Chúa Giêsu nói ở cuối đoạn văn ‘các kinh sư và người pharisêu giả hình’: “Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên.”

Từ buổi sơ khai của Giáo Hội, chúng ta đã dùng danh xưng “Cha” để gọi các nhà lãnh đạo tôn giáo. Các Giám Mục là chủ chăn của cộng đoàn Giáo Hội địa phương và là thầy dạy đức tin đích thực, được gọi bằng danh xưng “Cha”. Do đó, Thánh Phêrô chắc hẳn đã được gọi là “cha Phêrô” với ý là người cha tinh thần. Cách xưng hô này rất có thể đã được Thánh Phaolô ủng hộ, ngài tự nhận mình là người cha tinh thần. Trong bản văn gửi cho tín hữu Corintô, ngài viết: “Tôi viết những lời đó không phải để làm anh em xấu hổ, nhưng là để sửa dạy anh em những người con yêu quý của tôi. Thật thế, cho dầu anh em có ngàn vạn giám thị trong Ðức Kitô, anh em cũng không có nhiều cha đâu, bởi vì trong Ðức Kitô Giêsu, nhờ Tin Mừng, chính tôi đã sinh ra anh em. Vậy tôi khuyên anh em: hãy bắt chước tôi. Vì lẽ đó, tôi đã phái người con yêu quý và trung tín của tôi trong Chúa, là anh Timôthê, đến với anh em.” (1 Cor 4: 14-17).

Cho đến khoảng năm 400, một giám mục được gọi là “cha” (“papa”); danh xưng này sau đó đã bị giới hạn chỉ để gọi các Đức Giám Mục Rôma, người kế vị Thánh Phêrô và rồi được gọi là “Giáo hoàng”. Theo nghi thức ban đầu của luật Dòng, Thánh Bênêđictô (khoảng 547) chỉ rõ danh xưng này để gọi các linh mục giải tội, vì các ngài là những người giám hộ các linh hồn. Hơn nữa, từ “viện phụ” chỉ người lãnh đạo đức tin của cộng đoàn tu sĩ trong đan viện có nguồn gốc ở từ abba, tiếng Aram, ngôn ngữ người Do Thái nói trong thời Chúa Giêsu có nghĩa là cha. Sau này, vào thời Trung cổ, từ “cha” đã được dùng để gọi các tu sĩ Dòng khất thực – như các tu sĩ Dòng Phanxicô và Dòng Đa Minh – vì qua lời giảng dạy và công việc bác ái, họ chăm sóc cho những nhu cầu tinh thần và thể chất của tất cả con cái Thiên Chúa. Vào thời hiện đại hơn, những người đứng đầu các cộng đoàn Dòng nam hoặc ngay cả những người tham dự vào các Công Đồng Chung, như CĐC Vatican II, được gọi với danh xưng là “cha”. Ở các nước phương Tây, người ta gọi các linh mục là “Cha” đã trở thành phong tục phổ biến.

Còn về chú giải cá nhân hơn, danh xưng này đối với tôi rất khiêm tốn. Là một linh mục, danh xưng “Cha” nhắc nhở tôi rằng tôi đang được giao phó một trách nhiệm nặng nề của Chúa – những tín hữu của Người. Cũng như một người cha phải nuôi dưỡng, hướng dẫn, mời gọi, sửa đổi, tha thứ, lắng nghe và nâng đỡ tinh thần con cái mình, một linh mục cũng phải làm như vậy cho con cái thiêng liêng của mình. Các linh mục phải đặc biệt đáp ứng các nhu cầu tinh thần của những người được trao phó cho mình chăm sóc, mang đến cho họ của ăn nuôi dưỡng của Chúa bằng các Bí tích. Ngài phải hăng hái rao giảng Tin Mừng và xác tín phù hợp với tinh thần Giáo hội, mời gọi tất cả mọi người tiếp tục con đường hoán cải dẫn đến sự thánh thiện. Ngài phải sửa đổi những người đã mắc sai lầm, nhưng với lòng thương xót và nhân ái. Bằng tinh thần giống như người cha với đứa con hoang đàng của mình, linh mục phải hòa giải những người tội lỗi, những người đã lầm đường lạc lối nhưng tìm đường trở lại với Chúa. Như một người cha lắng nghe con mình, linh mục cũng phải lắng nghe người con thiêng liêng của mình, phải khuyên giải, an ủi. Linh mục cũng cần quan tâm đến các nhu cầu “thể lý” của đàn chiên – của ăn, nhà ở, quần áo và giáo dục.

Dù các linh mục có thể độc thân, nhưng lời Chúa nói với các Tông Đồ của Người nghe như sự thật: “Thầy bảo thật anh em: Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng, mà bây giờ, ngay ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống đời đời ở đời sau.” (Mc 10: 29-30). Thật vậy, đời sống độc thân để linh mục được tự do trở thành người cha quảng đại cho con cái thiêng liêng của mình. Tất cả chúng ta phải cầu nguyện cho các linh mục, nhất là những linh mục phục vụ trong các giáo xứ của chúng ta và những linh mục mới được thụ phong trong giáo phận của mình, để nhờ vào ân sủng của Thiên Chúa mà họ có thể dấn thân chu toàn trách nhiệm là “Cha”.

Cts.sss (chuyển ngữ từ catholicexchange)

Tin liên quan

Để lại một bình luận

Tel: 0968428072