Tại sao phải rước lễ trong mùa Phục sinh?

 

 

Điều 920 của bộ giáo luật hiện hành buộc các tín hữu phải rước lễ một năm ít là một lần, vào mùa Phục sinh. Tại sao có điều luật đó?
Khoản giáo luật vừa trưng dẫn còn được lặp lại trong sách Giáo lý Hội thánh Công giáo số 1389. Tuy nhiên nguồn gốc của nó đã có từ xa xưa, nghĩa là từ công đồng Latêranô IV năm 1215.

 

Tại sao phải ra luật đó?

Có rất nhiều lý do đôi khi tương phản nhau: có người nguội lạnh, chẳng mấy khi đi nhà thờ, vì thế cần phải ra luật thúc đẩy họ tối thiểu một năm hãy liệu xưng tội rước lễ một lần. Ngược lại, có người quá đạo đức, đi lễ thường xuyên nhưng không dám lên rước lễ vì cảm thấy mình bất xứng. Do đó, cần phải thúc đẩy họ lên rước lễ ít là một năm một lần. Để hiểu rõ vấn đề này hơn, chúng ta nên đi ngược lại dòng lịch sử từ những thế kỷ đầu tiên của Hội thánh.

Các tín hữu tiên khởi rước lễ bao nhiêu lần một năm?

Thực khó nói cách chính xác. Tuy nhiên có thể suy đoán dựa theo vài dữ kiện. Chúng ta biết rằng ngay từ đầu tiên, các Kitô hữu đã có thói quen họp nhau cử hành Thánh Thể hằng tuần vào ngày Chúa nhật, (ngày của Chúa, ngày mừng Chúa Kitô Phục sinh). Chúng ta thấy chứng tích nơi sách Tông đồ công vụ, chương 20 câu 7, kể lại việc thánh Phaolô chủ sự lễ nghi bẻ bánh tại Troa. Sách Điđakhê chương 14 diễn tả việc tham dự lễ bẻ bánh ngày Chúa nhật thành một quy luật. Từ đó ta cũng có thể kết luận được rằng họ cũng rước lễ ít là mỗi tuần một lần. Lý do dễ hiểu, bởi vì việc tham dự Thánh lễ đương nhiên bao hàm việc rước lễ. Thánh lễ được gọi là “việc bẻ bánh”, hàm ngụ ý tưởng một bữa tiệc thánh. Do đó không ai đi dự tiệc mà ra về với bụng trống rỗng.

 

Từ khi Giáo hội cử hành phụng vụ vào các ngày trong tuần lễ, thì các tín hữu cũng tăng mức độ rước lễ nữa hay sao?

Lịch sử không tiến triển theo đường thẳng, nhưng thường là theo đường ngoằn ngoèo. Xét về kỷ luật chung của Giáo hội thì quả là có sự tiến triển trong việc cử hành Thánh lễ. Vào thời đầu, có lẽ mỗi tuần Giáo hội chỉ cử hành Thánh lễ một lần vào ngày Chúa nhật. Nhưng con số đó tăng lên dần dần, tuỳ theo địa phương. Hồi đầu thế kỷ V, thánh Augustinô (Epistola 54, ad Ianuarium, c.2) viết như sau: “việc dâng lễ thay đổi tùy theo địa phương. Có nơi thì hiệp lễ hàng ngày, có nơi thì chỉ hiệp lễ vào một vài bữa. Có nơi thì không ngày nào bỏ việc dâng Hy lễ; có nơi thì chỉ dâng Thánh lễ vào thứ bảy và Chúa nhật; thậm chí có nơi chỉ dâng lễ vào ngày Chúa nhật”. Như vậy, cho đến thời thánh Augustinô, không phải đâu đâu cũng có Thánh lễ hàng ngày, và thậm chí có nơi chỉ có Thánh lễ ngày Chúa nhật mà thôi.

Điều này không chỉ tuỳ thuộc vào số linh mục nhiều hay ít, nhưng còn bị chi phối bởi nhiều yếu tố khác nữa. Chẳng hạn như bên các Giáo hội Đông phương, các buổi cử hành Thánh lễ rất long trọng, vì thế không lạ gì mà thường chỉ giới hạn vào ngày Chúa nhật, với sự tham gia đông đảo của cộng đoàn và ca đoàn. Đang khi đó, bên Tây phương, do việc các đan sĩ thụ phong linh mục, cho nên việc cử hành Thánh lễ cũng gia tăng tại các đan viện, không những là Thánh lễ cử hành cho cộng đoàn mỗi ngày, mà mỗi linh mục còn cử hành Thánh lễ kể cả khi không có cộng đoàn tham dự. Hơn thế nữa, việc tăng gia các buổi cử hành Thánh lễ không nhất thiết kèm theo sự tăng gia việc rước lễ.

 

Tại sao vậy?

Lúc nãy tôi đã nói rằng lịch sử không tiến theo đường thẳng nhưng theo đường ngoằn ngoèo. Một cách tổng quát, ta thấy rằng ở những thế kỷ đầu tiên, việc hiệp lễ gắn liền với việc tham dự Thánh lễ (gọi là lễ bẻ bánh), nhưng dần dần thì hai hành vi được tách rời. Có người rước lễ tuy không tham dự Thánh lễ: điều này xảy ra cho những người đau ốm không thể đi nhà thờ được, hoặc những người bị giam tù trong kỳ bắt đạo. Ngược lại, có người thì tham dự Thánh lễ mà không rước lễ. Điều này xảy ra vì nhiều lý do. Một lý do vừa mới nhắc đến là trường hợp các đan sĩ cử hành Thánh lễ mà không ai tham dự (và do đó không có ai rước lễ); như thế việc rước lễ không còn phải là thành phần của Thánh lễ nữa. Đang khi đó, tại các giáo xứ, thì tuy các tín hữu buộc phải tham dự Thánh lễ hàng tuần, nhưng không hẳn là ai cũng dám lên rước lễ, xét vì cảm thấy lương tâm không ổn.

 

Như vậy, họ không lên rước lễ vì thấy mình mắc tội trọng, phải không?

Đúng vậy. Dựa theo lời của thánh Phaolô trong thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô, chương 11 câu 28-29: “Ai nấy phải tự xét mình, rồi hãy ăn Bánh và uống Chén này. Thật vậy, ai ăn và uống mà không phân biệt được Thân Thể Chúa, là ăn và uống án phạt mình”, Giáo hội đòi hỏi các tín hữu phải sạch tội trọng thì mới được phép rước Mình Thánh Chúa. Thế nhưng, trong lịch sử không thiếu những khuynh hướng giải thích chặt chẽ hơn nữa về sự chuẩn bị tâm hồn. Họ đòi hỏi không những chỉ sạch tội trọng, mà cả tội nhẹ cũng như các mối quyến luyến với thế trần. Thậm chí, họ buộc các đôi vợ chồng phải kiêng cữ ái ân thì mới được lên rước lễ.

 

Nói thế thì chỉ có các tu sĩ mới được xứng đáng rước lễ hay sao?

Các tu sĩ cũng chẳng xứng đáng rước lễ nữa. Mãi cho đến đầu thế kỷ XX, nhiều hiến pháp Dòng tu chỉ cho phép các tu sĩ rước lễ một tháng một lần, nghĩa là 12 lần một năm. Ai muốn rước lễ hàng ngày thì phải có phép của cha giải tội. Vị này có bổn phận trắc nghiệm trình độ đạo đức của linh hồn, rồi mới dám cho phép tu sĩ rước lễ thường xuyên. Thực ra, cha linh hồn không chỉ xét xem linh hồn có mắc tội trọng hay tội nhẹ hay không, nhưng còn muốn biết hiệu quả của việc rước lễ như thế nào: đương sự có tiến triển trên đường nhân đức hay không? Việc rước lễ có phát sinh hoa trái như lòng mong ước hay không?

 

Nếu việc rước lễ không phát sinh hoa trái, thì tu sĩ chỉ được rước lễ mỗi tháng một lần thôi phải không?

Có lẽ còn ít hơn nữa là đàng khác. Nói như thế chúng ta mới hiểu được ý nghĩa của sắc lệnh công đồng Latêranô IV năm 1215. Có thể giải thích tầm mức áp dụng sắc lệnh vừa cho các tín hữu biếng nhác (chẳng mấy khi đi nhà thờ) vừa cho những tu sĩ nữa! Theo các sử gia, nghĩa vụ buộc rước lễ mỗi năm ít là một lần bắt nguồn từ các đan sĩ sống trong sa mạc (như thánh Ambrôsiô giải thích: De sacramentis, 5,25). Dù sao thì về sau này giáo luật nhắm tới các người nguội lạnh nhiều hơn.

Từ thế kỷ IX, nhiều công đồng điạ phương buộc các tín hữu phải rước lễ ba lần một năm vào dịp lễ Giáng sinh, Phục sinh và Hiện xuống. Công đồng Latêranô IV thì chỉ buộc rước lễ mỗi năm một lần, ít là vào lễ Phục sinh. Dần dần nghĩa vụ này được kéo dài ra suốt mùa Phục sinh. Bộ giáo luật hiện hành thì giữ lại luật buộc phải rước lễ mỗi năm một lần; nhưng không nhất thiết là trong mùa Phục sinh. Bộ giáo luật hiện hành cũng bỏ những chế tài của công đồng Latêranô, theo đó ai không rước lễ trong tuần lễ Phục sinh thì sẽ bị trục xuất khỏi Giáo hội, và không được an táng theo nghi thức phụng vụ.

 

Tại sao phải rước lễ mỗi năm một lần?

Như đã nói ở đầu, ta có thể đọc nghĩa vụ này theo hai chiều hướng đối nghịch. Với người thờ ơ lãnh đạm thì luật này thúc đẩy họ hãy nuôi dưỡng lòng đạo, nhờ việc lãnh bí tích Thánh Thể: thân xác cần được nuôi dưỡng thì mới sống được. Ai mà không ăn thì dù chưa chết cũng thấy kiệt lực. Linh hồn cũng cần được bồi dưỡng nhờ bí tích để có sức mạnh chống lại tội lỗi và tăng cường nhân đức. Vì thế mà việc rước lễ mỗi năm một lần là mức tối thiểu. Xuống dưới mức tối thiểu thì có nguy cơ hấp hối.

Mặt khác, nghĩa vụ này cũng nhắc nhớ những người quá bối rối sợ hãi rằng: Chúa Giêsu đã thiết lập bí tích này không chỉ để cho ta thờ lạy tôn kính, nhưng còn để trở thành lương thực cho ta nữa. Ngài muốn trở nên bánh cho ta ăn, ngõ hầu ta được sống và sống dồi dào. Đành rằng Ngài là Đấng cực thánh, còn ta là kẻ tội lỗi, không xứng đáng cho Ngài ngự vào linh hồn ta, nhưng chúng ta đừng quên phần thứ hai của lời nguyện trước khi rước lễ: “Lạy Chúa, con chẳng đáng rước Chúa ngự vào nhà linh hồn con, nhưng xin Chúa phán một lời thì linh hồn con sẽ lành mạnh”. Tuy dù chúng ta bất xứng, nhưng chính vì thế mà chúng ta cần Chúa đến thăm, như bệnh nhân cần đến lương y đến chữa lành. Vì thế chúng ta đừng ngại ngùng lên rước lễ khi thấy mình còn nhiều thiếu sót.

Dù sao, có lẽ ngày nay ít người ngại lên rước lễ vì cảm thấy mình bất xứng. Chúng ta chỉ sợ rơi vào tình trạng trái ngược. Cho đến đầu thế kỷ XX, trung bình các tu sĩ được rước lễ mỗi tháng một lần. Bộ giáo luật hiện hành ở số 917 dự liệu những trường hợp được phép rước lễ nhiều lần trong một ngày. Nguy cơ có thể xảy ra là sự thiếu chuẩn bị xứng đáng, không chỉ theo nghĩa là chưa thanh tẩy linh hồn đúng mức, nhưng còn theo nghĩa là chúng ta không lưu ý đến việc để cho Mình Thánh phát sinh những hoa trái mong muốn, đặc biệt là lòng mến Chúa yêu người.

 

Tác giả bài viết: Lm. Giuse Phan Tấn Thành
Nguồn tin: www.daminhvn.net

Tin liên quan

Để lại một bình luận

Tel: 0968428072