Tân Phúc Âm hóa (1)
Một trong những vấn đề thời sự là Tân Phúc Âm hóa. Có một tài liệu của Cha Emiliano Tardif nói về đề tài nầy. Xin lần lượt trích từng bài ngắn. Để tiện theo dõi, xin gởi dàn bài trước :
Nhập đề
1. Mới trong nhiệt tâm
2. Mới trong phương pháp
3. Mới trong cách diễn tả
4. Những cách rao truyền mới
5. Cách rao truyền mới phải toàn diện
6. Cách rao giảng mới là công việc của Chúa Thánh Thần
7. Cần những người rao giảng mới
8. Chiến thuật mới
Kết luận
Cách rao giảng mới về Tin Mừng ( 1 )
Tác giả : Lm Emiliano Tardif
Nhập đề
Đức Thánh Cha Yoan Phaolô II nói đi nói lại không mệt mỏi, về cách rao truyền mới về Tin Mừng. Từ cuộc thăm viếng ở Haiti của Ngài năm 1983 – ở đây, lần đầu tiên Ngài dùng từ ngữ ấy -Ngài không ngừng gợi đến đề tài này. Hầu như không có dịp nào mà Ngài không nói về nó.
Đức Giáo Chủ nêu lên 3 khía cạnh, nhờ đó cách rao giảng Tin Mừng phải đổi mới :
– Mới trong sự nhiệt tâm
– Mới trong phương pháp
– Mới trong cách diễn tả.
Phải lưu ý ngay điều này : Tin Mừng không đổi mới nội dung của nó. Hiển nhiên sự mới mẻ không thể ở điểm đó. Không có Tin Mừng nào khác ngoài Tin Mừng đã được chính Đức Yêsu loan báo và được các Tông Đồ lặp lại : Chúa Yêsu là Đấng Cứu Độ độc nhất, không có một Đấng Trung gian nào khác giữa Thiên Chúa và loài người.
Tin Mừng, chính là con người Đức Yêsu Kitô. Tin Mừng nằm gọn trong câu này : “Thiên Chúa đã yêu mến thế gian như thế, đến nỗi đã ban Con Một của Người… Không để xử án thế gian, nhưng để nhờ Ngài mà thế gian được cứu” (Ga 3.16-17).
Tin Mừng không là một vật gì, nhưng là một nhân vật : Đức Yêsu, Đấng đã thí mạng sống mình vì ta, ngày thứ ba đã sống lại từ trong kẻ chết và đang sống, không còn bao giờ chết nữa.
Như vậy, chính bản thân Ngài là sứ điệp của tình yêu lớn lao của Thiên Chúa đối với chúng ta : mặc dù chúng ta tội lỗi, Người đã phú nộp Con của Người cho chịu chết, để cho ai tin vào Ngài, thì được có sự sống đời đời. Tin Mừng là thế này : Sự̣ chết đã bị đánh bại bởi sự phục sinh của Chúa Yêsu, Tin Mừng ấy thật là niềm hi vọng cho ta, dù ở địa vị nào hay hoàn cảnh nào.
Giả dụ như Đức Yêsu không nói diễn từ nào, hoặc các vị Thánh chép sử không thuật lại một lời giáo huấn nào của Ngài, thì sứ điệp cốt tủy cũng không bị giảm giá : vì Ngài chính là Lời, và cung cách sống của Ngài là sứ điệp lớn lao nhất và căn bản nhất rồi. Tin Mừng luôn mãi vẫn là một và mãi mãi sẽ cứ như thế. Giả tỷ có một thiên thần nào từ trời xuống loan báo một Tin Mừng khác với Tin Mừng chúng ta đang có, Tin Mừng ấy sẽ là giả và đáng nguyền rủa – Thánh Phaolô nói đanh thép như thế (Gl 1.7-9).
Vậy chúng ta không cần một Tin Mừng mới, nhưng là một cách rao giảng mới về Tin Mừng. Bây giờ, chúng ta cùng nhau xem cái mới trong việc rao truyền Tin Mừng nghĩa là thế nào ?
1. Mới trong sự nhiệt tâm.
Không ai có thể cảm thấy nhiệt tâm để rao truyền Tin Mừng, nếu trước đó người ấy đã không gặp gỡ đích thân với Chúa Yêsu sống lại. Lý do thật đơn giản : nhiệt tâm tức là cháy nóng như lửa, mà chúng ta chỉ có thể cháy nóng như thế, nếu chúng ta được hun đốt bởi lửa của Thần Khí Chúa Kitô phục sinh. Lòng các môn đệ làng Em-mau đã cháy nóng bừng bừng, khi dọc đàng Chúa Yêsu giảng giải Kinh Thánh cho họ : chính bởi đó mà ngay giờ ấy họ cấp tốc trở về Yêrusalem, để làm chứng về điều đã xảy ra với họ dọc đàng (Lc 24.32-35).
Nhiệt tâm với Tin Mừng là yếu tố căn bản trong việc rao giảng Tin Mừng :
– Mong sao lửa nhiệt thành đối với Nhà Chúa nung đốt tâm can ta (Tv 69.10; Ga 2.17).
– Mong sao – như Phêrô và Yoan – chúng ta không thể không nói những gì ta đã nghe và đã thấy (Cv 4.20).
– Mong sao – như tiên tri Yêrêmia – mồi lửa đã thiêu đốt xương cốt ta, sẽ thúc đẩy ta rao truyền Tin Mừng lúc thuận cũng như lúc nghịch (Gr 20.9).
Để hun nóng lại lửa nhiệt tâm, ta phải trở về mối “tình mến thuở ban đầu” (Kh 2.4), chính cái tình mến đã hấp dẫn ta, đã thúc đẩy ta trao hiến mình vô điều kiện cho Chúa Yêsu. Chỉ lúc ấy, chúng ta mới sẵn sàng chu toàn sứ vụ tiên tri của ta, cho dù nó có vẻ cay đắng hay khó khăn.
Nếu tim ta cháy bừng tình mến Chúa Yêsu Kitô, miệng ta nhất thiết sẽ công bố sứ điệp cứu rỗi của Ngài, và đời ta sẽ là một phản ánh của đời Ngài.
Người rao giảng phải có Đức Yêsu trong tim, hơn là có những học thuyết hoặc đạo lý về của Yêsu. Chính vì lý do ấy, Đức Giáo Chủ Phaolô VI nói rằng : thế giới thời nay cần có những chứng nhân hơn là thầy dạy.
Phải có những vị rao giảng mới, cháy bừng lửa của Thần Khí, những chứng nhân không chỉ lặp lại những gì họ đã học hay đã đọc, nhưng là những người không thể ngưng thuật lại những gì đã tai nghe mắt thấy. Phải để cho người ta thấy được rằng họ đầy tràn Thần Khí (Cv 2.33).
Hai chủng sinh đi dự kỳ tĩnh tâm khai tâm vào cuộc Canh Tân Đặc Sủng. Trở về, họ sung sướng đến nỗi họ đến thẳng phòng Giám Đốc chủng viện, để thuật lại những gì họ đã sống qua. Vị này nhìn họ với vẻ hoài nghi, nhưng vẫn chăm chú và kính trọng nghe họ kể.
Ngay sau đó, một trong hai – hơi dại dột – nói với vị ấy : “Đức Cha có muốn chúng con cầu nguyện ngay cho Đức Cha, để được lãnh Chúa Thánh Thần không ?”. Ngài hơi ngượng ngùng trả lời : “Chúa Thánh Thần ư ? Ta đã lãnh hồi chịu phép Rửa tội. Người ta đã lại ban Thánh Thần lần nữa ngày chịu phép Thêm Sức, và rồi ngày Ta chịu chức linh mục nữa…”
Sau vài giây thinh lặng căng thẳng, chủng sinh kia nói : “Vậy thì, thưa Đức Cha, chúng con có thể cầu nguyện để cho cái đó hiện tỏ ra cho thấy được không ?”
Nhiệt tâm đối với Tin Mừng thúc đẩy chúng ta cháy bừng lửa trong việc tông đồ của ta, đến mức, mặc dù công vụ có mở thêm rộng, thì vẫn có lý do mạnh hơn đưa ta tiến : đó là tình mến !
Cuối năm 1984, sau khi đã giảng một tháng liên tục ở Québec, tôi sang Pháp. Từ đó đến Hòa Lan, ở đó tôi đã có thể rao giảng Tin Mừng tại Zindhoven và Rotterdam.
Không kể công việc hết sức căng, lại chồng thêm việc thông dịch tại chỗ cũng nặng nề nữa. Tôi mệt mỏi và thấm lạnh đến độ tôi đâm mơ về cái nhà nhỏ ấm cúng của tôi ở La Romana, đến khí hậu ấm áp, dễ chịu ở miền bể Caraibes, và cái xứ đạo êm ả ở bờ bể – cộng đoàn thân thương của tôi, v.v…
Nhưng trong giờ nguyện ngắm buổi sáng riêng mình tôi, Chúa cho tôi đọc một đoạn tự truyện của Chị Thánh Têrêxa nhỏ nói rằng : “Nếu ngày nào đó, không còn tình yêu nữa, thì các tông đồ sẽ chẳng ai đi rao giảng Tin Mừng…”
Tôi hiểu lời dạy và nhủ mình : “Hỡi Emilianô, ngươi đừng còn phàn nàn vì bao việc phải làm nữa nhé !…”. . . . . . . . . . .
Khi Chúa Yêsu là niềm đam mê của ta, ta có thể luôn luôn rao giảng Tin Mừng bất cứ ở hoàn cảnh nào. Nhiều khi, tôi không còn giờ mà nghỉ ngơi nữa. Nhưng nếu Chúa Yêsu là sự nghỉ ngơi của ta, thì lúc đó ta lại thấy mọi sự khác hẳn (còn tiếp )
Nguồn: gpcantho.com