Tân Phúc Âm Hóa bằng “lòng đạo đức bình dân” ở Việt Nam

 

Thế giới toàn cầu hóa làm cho đời sống tinh thần cũng như vật chất của con người không ngừng được tăng lên. Tuy nhiên, nó cũng kéo theo không ít hệ lụy, không chỉ trong đời sống xã hội mà còn cả tôn giáo nữa. Tinh thần tục hóa, hưởng thụ và tương đối đã và đang len lỏi vào tất cả các lĩnh vực, trong đó đời sống đạo đức và niềm tin tôn giáo không phải là một ngoại lệ. Một thực tại đáng buồn là con số người trở lại đạo hàng năm không tăng bao nhiêu, trong khi đó một lượng đáng kể các tín hữu không còn mặn mà với việc ‘hành đạo’ nữa. Ở những nước Châu Âu và Bắc Mĩ, con số này thể hiện rõ ràng hơn. Tại Đức, năm 2011, có đến 126.000 trường hợp đăng ký rời khỏi Giáo Hội.[1] Ngay cả Việt Nam chúng ta, không chỉ các tín hữu “đạo gốc” tăng lên, nhưng con số người bỏ lễ cả và người không sống đạo đang có dấu hiệu tăng dần. Đứng trước thực trạng này, Mẹ Giáo Hội đang mời gọi người Kitô hữu tái khám phá vẻ đẹp của Tin Mừng, mà chúng ta đang gọi là công cuộc Tân Phúc Âm Hóa. Một giáo huấn mới và được quan tâm nhất hiện nay, đó là Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng, Evangilii Gaudium, của Đức Giáo Hoàng Phanxico I. Ngài đã đề cập đến nhiều khía cạnh và phương thế để thực hiện công cuộc Tân Phúc Âm hóa. Một trong những vấn đề mà Ngài đề cập rất ấn tượng là “sức mạnh của lòng đạo đức bình dân”. Vậy đâu là nền tảng và đường hướng cho lòng đạo đức bình dân? Lòng đạo đức bình dân của người giáo dân Việt Nam hiện nay như thế nào? Chúng ta có thể sử dụng phương thế này cho công cuộc Tân Phúc Âm hóa hiện nay ở Việt Nam?

I/ Thế nào là lòng đạo đức bình dân và việc làm đạo đức bình dân?
Lòng đạo đức bình dân (piété populaire / popular piety / pietà popolare) chỉ “những thể hiện thờ phụng riêng tư hay cộng đồng khác nhau không theo những hình thức phụng vụ nhưng dùng những hình thức rút ra từ một quốc gia, một dân tộc hay từ nền văn hóa của họ.”[2] Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo cũng cho chúng ta biết: “trong mọi thời, cảm thức của dân thánh được diễn tả bằng các hình thức đạo đức đa dạng, quy tụ quanh đời sống bí tích của Hội Thánh, như: tôn kính các thánh tích, viếng các thánh điện, hành hương, rước kiệu, đàng thánh giá, các vũ điệu tôn giáo, lần chuỗi, đeo ảnh tượng thánh”[3]… Như thế, việc đạo đức bình dân không phải là bí tích hay á bí tích. Nó không phải là phụng vụ chính thức của Hội Thánh nhưng là những cảm thức xoay quanh bí tích mà thôi. Những cảm thức này khá đa dạng, tùy thuộc vào nền văn hóa và tình cảm của người giáo dân trong từng vùng miền khác nhau. Nó có thể mang tính chất cá nhân như việc lần chuỗi, đeo ảnh tượng các thánh, đọc kinh, suy niệm Tin Mừng, cầu nguyện riêng… nhưng nó cũng có thể mang chiều kích của cộng đoàn như việc đọc kinh chung tại nhà thờ sáng tối, ngắm đàng Thánh Giá, rước kiệu tháng Đức Mẹ, Tháng Kính Thánh Tâm… Việc làm đạo đức còn mang cả tầm vùng miền, quốc gia và thậm chí chung cho toàn Giáo Hội nữa. Ví dụ, như việc hành hương, viếng các trung tâm thánh địa, các kỳ đại hội, các cuộc cung nghinh… Điểm đặc biệt là sự hội nhập văn hóa được thể hiện rõ nhất trong các hình thức đạo đức này. Đây chính là việc đức tin được thể hiện nơi nền văn hóa của mỗi quốc gia, đức tin mang màu sắc của văn hóa vùng miền. Điều này tạo sự đa dạng của các hình thức đạo đức bình dân trong các dân tộc, mỗi quốc gia và trên thế giới[4]. Ví dụ, các cuộc rước kiệu, ở Việt Nam thì dùng trống và kèn, nhưng các nước khác lại dùng các nhạc cụ dân tộc của họ. Trong các nghi thức cử hành phụng vụ, người Việt dường như ‘tuân thủ’ các quy tắc được Giáo hội quy định, như thế mới thể hiện tính nghiêm túc và sốt sắng, tuy nhiên với các quốc gia Phi Châu thì hình thức họ ưa thích lại là nhảy múa. Tóm lại, mặc dù đều mang tính chất thờ phượng Thiên Chúa và là những hành vi xoay quanh phụng vụ, nhưng lòng đạo đức bình dân rất đa dạng và phong phú, mang đậm dấu ấn của nền văn hóa quốc gia và vùng miền.

II/ Lòng đạo đức bình dân trong Kinh Thánh và thời kỳ đầu của Giáo hội sơ khai
Ngay từ buổi đầu sơ khai, việc đạo đức bình dân đã có một sức mạnh truyền giáo rất lớn qua đời sống chứng tá của họ. Trong cuộc đời rao giảng của Chúa Giê-su, đã có rất nhiều người đi theo Người. Họ theo để làm gì? Hiếu kỳ, no bụng, xem thú vui? Chắc chắn có những lớp người như vậy. Nhưng đại đa số những con người theo Người vì muốn đón nhận lời của Người để được trở nên môn đệ của người (Mc10, 17), để được nước sự sống (Ga 4,15) và để được gia nhập chính Nước của Người (Mt 19, 10-12). Chính họ được Kinh Thánh gọi là những người đạo đức (Mc 15,40-41). Những người này với niềm tin đơn sơ đã được đón nhận Tin Mừng Chúa Phục Sinh đầu tiên và đã lãnh nhận nhiệm vụ loan Tin Mừng này cho các môn đệ (Ga 20,11-18).
Sang thời kỳ đầu của giáo hội sơ khai cũng như vậy. Chẳng những họ siêng năng tham dự “ Lễ Bẻ Bánh” (Bí tích Thánh Thể) nhưng họ cũng cầu nguyện không ngừng (Cv 2, 42.47). Chính lòng đạo đức đơn sơ của họ đã có một sức mạnh truyền giáo mà số tín hữu càng tăng lên (Cv 2, 42b).
Tiếp theo thời kỳ của các Tông đồ cho đến ngày nay, trải qua 2000 năm lịch sử truyền giáo, chúng ta có được rất nhiều nhà truyền giáo lừng danh nhưng chưa có một con số thống kê về sự truyền giáo của các giáo dân. Chắc chắn, đó là một con số không hề nhỏ. Có lẽ chăng trong lịch sử, chúng ta thấy có các giáo dân đã được phúc tử đạo và là niềm cảm hứng cho nhiều người trở lại đạo “Máu tử đạo là hạt giống trổ sinh các Kitô hữu” ( Giáo phụ Tertuliano). Vậy đâu là cơ sở nền tảng cho họ dám can đảm chịu tử đạo khi mà bên cạnh họ không được tham dự các bí tích và không có các thừa tác viên chức thánh? Chắc chắn là do ơn Chúa ban, nhưng những ơn này đều do lòng mộ mến bởi các việc làm đạo đức bình dân của họ mà ra. Điều dễ thấy nhất và gần chúng ta nhất đó chính là việc Tin Mừng được gieo và trổ sinh trên đất nước Đại Hàn. Trải qua hàng trăm năm không có các nhà thừa sai, nhưng các hạt giống đức tin đã trổ sinh những hoa trái và gìn giữ đức tin chắc chắn không ngoài các hình thức đạo đức bình dân của những người nghèo đơn sơ, ít học. Một ít điểm sơ như vậy cũng cho chúng ta thấy được ngay từ đầu lịch sử giáo Hội và trong suốt chiều dài lịch sử của nó, việc đạo đức bình dân đóng một vai trò không nhỏ và cũng đạt được những thành tựu rất lớn trong công cuộc truyền bá Phúc Âm.

III/ Lòng đạo đức của người giáo dân Việt Nam
Giống như sự ảnh hưởng của lòng đạo đức bình dân trong lịch sử Giáo Hội ngay từ buổi đầu thành lập, lòng đạo đức bình dân tại Việt Nam cũng có giá trị truyền giáo chói sáng trong dòng chảy lịch sử Giáo Hội Việt Nam. Có thể nói rằng, Việt Nam như là một thửa đất tốt cho hạt giống đức tin. Ngay từ khi được gieo vào Đất Việt, hạt giống đức tin đã đâm rễ sâu, nảy mầm và trổ sinh nhiều kết quả, không chỉ về số lượng mà cả chất lượng nữa ( hơn 300 000 tín hữu tử đạo và 117 vị thánh Tử đạo)[5]. Có được kết quả tốt đẹp như vậy bởi vì có một sự tương đồng giữa niềm tin, cách cầu nguyện, và cách thể hiện giữa “đạo thờ Ông Trời” của người dân Việt và niềm tin Công Giáo. Không chỉ quan niệm “cầu trời khấn Phật” hằng ngày, nhưng người dân Việt cũng rất yêu thích dân ca, lễ hội, và có nhiều phong tục tập quán tốt… Các điều kiện này chính là “những nhân tố” tốt để hạt giống đức tin nảy mầm và sinh hoa kết quả.
Trong bình minh của Giáo Hội Việt Nam, cuộc sống hành đạo của người tín hữu vô cùng khó khăn, số mục tử vô cùng ít ỏi. Làm sao để tránh được những nanh vuốt của các Chúa Nguyễn, Văn Thân? Đâu là trợ lực cho họ để củng cố đức tin và truyền giáo cho anh chị em lương dân? Nhờ tham dự các bí tích thường xuyên chăng? Chính nhờ các việc làm đạo đức bình dân đã nâng đỡ và củng cố đời sống của họ. Ta có thể tưởng tượng cảnh gia đình cùng nhau đọc kinh sáng tối, hay cảnh rất đông người giáo hữu đang tập trung dưới ánh đèn dầu trong ngôi nhà nguyện lụp xụp. Ta cũng có thể thấy những con người đang bấm đốt tay để lần hạt trên con đường đi làm hay chạy trốn những cuộc bách đạo, đi lễ Chúa nhật của họ. May mắn hơn thì quay quần dưới tán cây mà Mẹ đã hiện ra yên ủi họ. Như thế, con người đơn sơ thì niềm tin càng mãnh liệt và việc làm đạo đức của họ có thể nâng đỡ đức tin và truyền giáo tốt hơn.
Những sự khó khăn của thế kỷ 20 cũng như vậy. Sự khó khăn và cuộc bắt đạo chuyển sang một cách thế mới, tinh vi hơn và hiện đại hơn. Với các chiến dịch hô hào để xây dựng Xã hội chủ nghĩa, nhưng thực chất là “xóa sổ đạo Công Giáo” khỏi Việt Nam, mà khởi đầu tại “cái nôi của Cách Mạng”. Giám mục giáo phận bị bắt bớ, Tòa giám mục phải di tản, đại chủng viện và tiểu chủng viện bị đóng cửa và hàng linh mục bị cô lập cũng như hạn chế tối đa như kiểu “đánh rắn thì đánh phủ đầu”. Những chủng sinh và những người làm việc tại các giáo xứ, giới trí thức bị bắt đi đày tại những nơi khắc nghiệt nhất, mà hầu như là không bao giờ được xét xử. Hay nói như các chủng sinhnnày là họ bị tù vì cái tội “ không chịu lấy vợ” ( một chứng nhân bị tù hơn 20 năm tại cổng trời Hà Giang mà không có xét xử). “Các đồng chí” lãnh đạo chắc chắn Công Giáo sẽ bị xóa sổ khỏi Việt Nam mà thôi. Tuy nhiên, trong đau thương hạt giống đức tin và Công Giáo tại Vinh vẫn kiên vững. Có được điều này là do đâu? Chắc chắn là Ơn Chúa, nhưng do lòng tin cậy của những con người đơn sơ luôn tập trung để làm các việc đạo đức bình dân mà đôi khi trong thời đại ngày nay, nhiều con người coi nhẹ nó. Tôi còn nhớ một kỉ niệm, vào đầu thập niên 90, một dịp chầu lượt của giáo xứ tôi, vì rất thích coi dâng hoa, rước kiệu và diễn văn nghệ, giáo xứ tổ chức diễn văn nghệ với vở kịch “ sự trở lại của tên tướng cướp”. Khi mọi sự đã chuẩn bị xong, giờ diễn đã đến thì bị chủ tịch xã đình chỉ. Ngay lập tức, những người dân lương đi xem đã tấn công ngôi nhà của chủ tịch xã mà nguyên do là đã cấm họ xem một vở kịch đạo hay. Kết quả là các bậc phụ huynh trong giáo xứ đã phải lên lợp lại mái ngói cho nhà vị lãnh đạo ngay ngày hôm sau. Có thể thấy rằng, trong thời kỳ khó khăn thì lòng đạo đức bình dân được diễn ra hết sức thường xuyên và có giá trị ảnh hưởng rất mạnh không chỉ trong đời sống đức tin nhưng còn trên những người lương dân.
Tuy nhiên, đầu thế kỷ 21 này, một thời kỳ dễ thở hơn cho giáo hội Việt Nam, nhưng ta lại thấy có sự đi xuống rõ rệt hơn về lòng đạo đức bình dân. Việc đọc kinh chung tại gia đình hầu như biến mất, số người đi đọc kinh tại nhà thờ giảm sút rõ rệt. Ví dụ, ở một giáo xứ tôi đã ở, mỗi tối chỉ còn khoảng 20 người đi đọc kinh tại nhà thờ, trong khi đó con số giáo dân khoảng gần 3000. Trước đây họ đi đọc kinh chật cả nhà thờ. Đâu là nguyên nhân của sự đi xuống này? Chắc chắn mỗi người sẽ có câu trả lời riêng nhưng cách chung thì thường đổ cho hoàn cảnh hiện tại của xã hội. Điều này không sai, nhưng cũng có những nguyên nhân khác nữa mà tôi sẽ phân tích sau.

IV/ Lòng đạo đức bình dân dưới ánh sáng của huấn quyền
Đứng trước thực trạng của thế kỷ 21, Mẹ Giáo Hội qua Thánh Công Đồng Vatican II đã tiên báo trước thực trạng này và hoạch định hướng đi của mình trong các văn kiện, đặc biệt là tông huấn Ad Gentes. Tiếp tục sứ mạng Chúa Kitô đã ủy thác : “anh em hãy đi tứ phương thiên hạ, làm phép rửa cho muôn dân”(Mt 28,19), mọi Kitô hữu, dù sống ở đâu, đều phải lấy gương mẫu đời sống và lời chứng đê biểu dương con người mới của họ, để ngời khác nhìn thấy những việc lành của họ mà ngợi khen Chúa Cha[6]. Gương mẫu này được thể hiện qua những mối tương giao và sinh hoạt của đời sống xã hội, văn hóa và làm cho những giá trị của Tin Mừng được thâm nhập, hội nhập văn hóa và tiếp tục truyền đạt. Sợị chỉ đỏ để xuyên suốt các công việc này chính là đức ái của chính tình bác ái mà Thiên Chúa đã yêu con người[7]. Chính giá trị của lòng đạo đức bình dân đã được đức Giáo Hoàng Phao-lô VI khẳng định trong tông huấn Evangilii Nuntiandi: “ Lòng đạo đức bình dân diễn tả một khao khát Thiên Chúa mà chỉ những kẻ đơn sơ và nghèo nàn mới nhận ra được” và “ nó giúp lòng quảng đại và hy sinh đến mức độ anh hùng khi nói về việc biểu lộ đức tin”[8]. Nói rõ hơn, chính việc làm đạo đức bình dân diễn tả con người đơn sơ, thuộc về Thiên Chúa. Như vậy, Đức Giáo Hoàng Phao-lô VI cũng khẳng định rằng động lực để cho những con người này dám can đảm tuyên xưng đức tin chính là nhờ lòng đạo đức bình dân. Lòng đạo đức bình dân cũng được quan tâm rõ rệt nơi Thánh giáo hoàng Gioan Phao-lô II. Không chỉ thành lập Đại Hội Giới trẻ thế giới, đồng hành cùng các đoàn hành hương trong các cuộc rước kiệu, người cũng đề cao lòng đạo đức bình dân qua các tông huấn và huấn dụ, đặc biệt qua tông thư Kinh Mân Côi. Theo Thánh Gioan Phaolo II: “Lòng đạo đức bình dân là một thực tại luôn được Chúa Thánh Thần triển khai vì chính Người là tác nhân tiên khởi”[9]. Trong Tông thư Vicesimus Annus, Ngài cho rằng: “Lòng đạo đức bình dân không thể bị phớt lờ hoặc khinh thường, bởi vì nó mang nhiều giá trị phong phú và tự nó đã biểu lộ thái độ tín ngưỡng trước mặt Thiên Chúa. Tuy nhiên, nó cần được tiếp tục Tin Mừng hóa, ngõ hầu niềm tin mà nó biểu lộ, luôn luôn được trưởng thành và chân chính”[10]. Như vậy, lòng đạo đức bình dân có thể thay đổi theo dòng thời sự, nhưng bản chất và tác dụng của nó thì luôn không thay đổi và hướng đến chính cùng đích của con người nhắm tới là phụng sự và làm vinh danh Thiên Chúa. Cũng chính Ngài chỉ thị và bộ Phụng Tự đã có cuốn “Hướng dẫn về lòng đạo đức bình dân và phụng vụ”, xuất bản năm 2001 nói rằng: “Phụng vụ vàlòng đạo đức bình dân là hai cách biểu lộ chân chính Kitô giáo, dù cho hai bên không tương đương nhau..”[11]. Gần đây hơn, Đức Benedict XVI đã ca ngợi lòng đạo đức bình dân là “ kho tàng quí giá của Giáo Hội Công Giáo” bởi vì qua đó người ta “thấy được cái hồn của nó”[12]. Trong thời điểm chúng ta hiện nay, không chỉ gây ngạc nhiên cho rất nhiều người về đời sống giản dị, đơn sơ, Đức giáo hoàng Phan-xi-cô I cũng gây ngạc nhiên cho chúng ta về các quan điểm mới mẻ. Ngài đã ca ngợi lòng đạo đức bình dân “là hoa trái của Tin Mừng đã được gieo rắc, nơi đó có một sức truyền giáo thật năng động mà chúng ta không thể đánh giá thấp được:như thế là không công nhận hoạt động của Chúa Thánh Thần”. Cũng theo Ngài, lòng đạo đức bình dân có giá trị bởi vì “ nó có nhiều điều để dạy chúng ta, và đối với người biết nhận ra chúng, chúng là vị trí thần học mà chúng ta phải chú tâm, đặc biệt ngay lúc chúng ta nghĩ đến việc tân Phúc âm hóa”[13]. Như vậy, trên đây là kim chỉ nam và sợi chỉ xuyên suốt hướng dẫn chúng ta trên tiến trình tân Phúc âm hóa bằng con đường cổ vũ lòng đạo đức bình dân và qua việc đạo đức bình dân để đem Lời Chúa đến với anh em lương dân.

V/ Một vài giải pháp đề nghị để khuyến khích lòng đạo đức bình dân tại Việt Nam
Việt Nam có thể được coi là mảnh đất tốt cho hạt giống đức tin. Chúng ta không thể nói gì được về Giáo hội Việt Nam, song ngay từ bây giờ, chúng ta phải vào cuộc để gìn giữ nó. Tôi thiết nghĩ một số phương cách để củng cố lòng đạo đức bình dân cần được quan tâm.

1/ Cái nhìn mục tử
Để việc tân Phúc Âm hóa được thực hiện và thâu lượm được hoa trái, điều kiện tiên quyết là người mục tử phải tiếp cận thật gần gũi với cái nhìn của Vị Mục Tử Tốt lành, Đấng không tìm phán đoán nhưng chỉ yêu thương[14]. Điều này nhiều người cho rằng nó không mới vì họ đã được đào tạo ngay từ trên ghế của chủng viện: “Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em”(Ga 13,15). Trên thực tế, chúng ta rất khó để có thể thực hiện điều trên đây. Nhiều khi vì công việc mục vụ, trái tim người mục tử thường bị thiên về lý trí hơn là tình cảm. khi phán đoán dựa trên lý trí, người mục tử khó có thể cảm nhận và khám phá ra giá trị của lòng đạo đức bình dân. Tuy nhiên, khi xem xét dưới chiều kích tình yêu tự nhiên đem đến, “chúng ta mới có tể xác định đời sống thần học hiện diện trong lòng đạo đức bình dân Kitô giáo, đặc biệt trong các người nghèo”[15].
Không chỉ đòi hỏi thay đổi nhãn quan, mà người mục tử cần phải là con người cầu nguyện và yêu mến Chúa qua các việc làm đạo đức bình dân: “cầu nguyện không phải là một chuyện bên lề, cầu nguyện phải là“nghề” của linh mục, để làm việc thay cho không chỉ người không biết cầu nguyện nhưng cả cho người không có thời gian để cầu nguyện”[16]. Nhiều linh mục trẻ nói rằng họ khó có thể sắp xếp thời gian để lần hạt hay chầu Thánh Thể vì quá bận rộn bởi công việc mục vụ và bí tích. Thực tế, một trận đá bóng, một cuộc tiếp khách hay thăm viếng gia đình sẽ dễ thực hiện và hấp dẫn hơn một giờ làm việc đạo đức. Chính sự lơ là hay không mộ mến việc làm đạo đức bình dân này, mà vô tình sẽ làm gương cho người giáo dân trở nên coi thường việc làm đạo đức bình dân. Vì vậy, họ cho rằng chỉ cần đi lễ Chúa nhật là đủ. Làm thế nào để người linh mục yêu mến việc làm đạo đức bình dân? Điều này không dễ và phải tập luyện ngay từ trong chủng viện, bởi vì: “không ai cho cái mình không có” và “lòng đầy miệng mới nói ra”. Khi một người yêu mến các việc làm đạo đức bình dân thì sẽ luôn yêu mến và chu toàn phụng vụ và hoa trái của sự yêu mến đó sẽ thể hiện ra bên ngoài: “khi muốn thực hiện một cuộc tái truyền giáo thật sâu xa, Giáo Hội phải rao giảng về tất cả những gì chúng ta sống như trách nhiệm hằng ngày”[17].
Tóm lại, phải với thao thức “môn đệ tức là luôn ở trong trạng thái để mang tình yêu Đức Kitô đến với người khác”, người mục tử mới dễ Phúc Âm hóa đàn chiên của mình cũng như hướng đến các chiên ở “ngoài ràn” và ở “ràn khác” được.

2/ Cổ vũ chầu Thánh Thể
Bí tích Thánh Thể là nguồn mạch và chóp đỉnh của toàn thể đời sống Kitô giáo[18]. Vì thế, để hiệu quả và việc nuôi dưỡng đức tin người Kitô hữu kéo dài trong suốt ngày sống không gì hơn ngoài việc tôn sùng Chúa Giê-su trong bí tích Thánh Thể. Song, việc người trẻ và các giáo dân đến với Chúa Giê-su trong giờ chầu là rất ít. Xảy ra điều này bởi vì nhiều nguyên nhân, nhưng đôi lúc vì họ thấy thiếu cha xứ trong giờ chầu Thánh Thể, hoặc do giờ chầu quá cứng nhắc hoặc quá dài “ một giờ là phải trọn 60 phút, thiếu vài phút thì phải hát thêm một bài hát nữa”. Có nhiều sự nỗ lực để canh tân giờ chầu thêm sinh động và sốt sắng. Điểm phù hợp nhất hiện nay đó là đưa Lời Chúa và giờ thinh lặng trong giờ chầu thay cho một số kinh đọc thuộc. Một nét đẹp nên cổ vũ và duy trì, đó là Tuần Chầu Lượt luân phiên thay cho giáo phận của các giáo xứ tại Giáo phận Vinh. Không chỉ là việc cổ võ đức tin, cơ hội cho người “lười xưng tội” được giao hòa, nhưng cũng là cơ hội để người thân, bạn bè gặp gỡ và chia sẻ niềm vui “hãy xem họ yêu thương nhau như thế nào”. Cũng trong khung cảnh này, người giáo dân Vinh rất yêu mến thánh lễ mà có sự hiện diện của đông linh mục đồng tế và sự hiện diện của các thầy các sơ. Chính từ lòng yêu mến cách đơn sơ này mà dẫn họ đến lòng yêu mến đạo đức hơn. Đó cũng là động lực thúc đẩy, cổ võ và phát sinh những ơn gọi giới trẻ dấn thân đáp lại tiếng mời của Chú trên cánh đồng truyền giáo. Có lẽ không có gì tốt đẹp hơn nếu mỗi tối Chúa Nhật, cha xứ cùng giáo dân của mình cùng quây quần bên Chúa Giê-su Thánh Thể để tạ ơn kết thúc tuần và hướng đến tuần mới mà không quá nặng nề nhưng thanh thoát cùng kín múc một sinh lực tình yêu mới “yêu như Thầy đã yêu”.

3/ Cổ vũ Kinh Mân Côi
Thêm điều hiếm thấy hiện nay đó là việc lần chuỗi Mân Côi của người trẻ, sinh viên, công nhân và thậm chí nơi một số linh mục. Nhiều trong số họ đổ tội cho rằng vì họ quá bận rộn và không có thời gian cho việc tầm thường đó. Điều này đã dẫn đến thảm trạng hôm nay là người giáo dân ít đến nhà thờ trong các giờ đọc kinh sáng, tối. Để cứu vãn cũng như khôi phục thảm trạng thì việc cổ võ việc lần chuỗi Mân Côi là điều cần thiết, đặc biệt trong giờ kinh chung gia đình[19]. Bởi vì, lòng yêu mến việc đạo đức bình dân sẽ dẫn đến việc yêu mến Phụng Vụ. Hơn nữa, bản chất của việc lần chuỗi là quan trọng và có giá trị: “Khi kết hiệp việc đọc kinh Mân Côi với tất cả mọi yếu tố cần thiết cho một cuộc suy niệm hiệu quả, đặc biệt trong những cử hành chung tại giáo xứ và các đền thánh, có thể đó là một cơ hội để dạy giáo lý mà các mục tử phải tận dụng”[20]. Cũng qua việc lần chuỗi, chúng ta không chỉ được chiêm ngưỡng các mầu nhiệm của Chúa, nhưng còn được nhìn ngắm và cầu xin Mẹ “Ngôi sao của việc tân Phúc Âm hóa” trong cuộc lữ hành đức tin. Giữa những ồn ào trên xe buýt, nơi công xưởng, trên xe đường dài hay nơi yên lặng trong giáo đường, giờ kinh chung gia đình, việc lần hạt Mân Côi và chiêm ngắm đời sống Mẹ là điều vô cùng cần thiết vì “không có Mẹ, chúng ta không thể hiểu được cách trọn vẹn tinh thần truyền giáo mới mẻ”[21].

4/ Cổ vũ việc Rước kiệu, dâng hoa Tháng Mẹ, cung nghinh và rước Thánh Thể trong tuần chầu lượt
Điều ngược đời hiện nay là thế giới càng hiện đại thì người ta lại càng cổ võ việc gìn giữ và bảo tồn những hình thức, giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể. Nhiều người đi du lịch hơn để xem các lễ hội và các sự kiện. Hầu như các tổ chức đều cố gắng kêu gọi, cổ vũ và bảo tồn các giá trị và hình thức văn hóa. Tuy nhiên, có nhiều giáo dân và thậm chí là một số cha xứ không muốn hay không tổ chức, thậm chí là xóa bỏ việc rước kiệu vào các dịp lễ. Đại đa số người giáo dân Việt yêu thích việc rước kiệu Mẹ, Chúa, Thánh Thể vào các dịp lễ theo mùa Phụng Vụ. Nhiều người muốn hạn chế việc “rước sách” như hạn chế cuộc rước trong năm, xóa sổ các đoàn trống trắc, đoàn kèn hơi, đoàn nhạc dây… hay “cha con âm thầm chầu lượt” vì thế này, thế kia. Một trong những ấn tượng nhất trong tâm trí tôi trong suốt cuộc đời phải kể đến một cuộc rước kiệu Mẹ và Mình Thánh Chúa với đèn nến sáng trưng hơn một cây số xung quanh làng khi tôi còn bé. Chính một bà lương dân đã khen: “cuộc rước đẹp thật, có một ông cha to và bốn ông cha nhỏ trên kiệu chở bánh trắng trắng” (Đức cha và bốn chú giúp lễ). Điều này vẫn ấn tượng và theo tôi trong suốt hành trình đức tin. Chính tôi cũng tin người đàn bà đó cũng ấn tượng như tôi. Chúng ta không biết khi nào họ có thể trở về đức tin Công Giáo nhưng chúng ta có quyền hy vọng vì “ kí ức là một chiều kích của đức tin”[22]. Cũng như hạt lúa chúng ta gieo hay không gieo, chúng ta không thể đảm bảo kết quả của nó, nhưng muốn có thân cây lúa thì không thể cản trở “vô tình hay hữu ý” nó nảy mầm và sinh trưởng.

5/ Việc tang ma và cầu nguyện cho người qua đời
Quan điểm tôn giáo chung của người dân Việt là “Đạo Trời” hay “Đạo Hiếu”, vì thế, quan niệm về cái chết cũng như bổn phận với người quá cố là điều rất hệ trọng. Như vậy, việc Tân Phúc âm hóa cũng không thể bỏ qua sự quan tâm đến khía cạnh này. Với quan niệm “đám trống chung” hay “nghĩa tử là nghĩa tận”, người dân Việt thường dẹp bỏ tất cả mọi công việc để tiễn đưa người quá cố đến nơi an nghỉ cuối cùng để trọn cái “ nghĩa”, mặc dù thâm tâm họ có thể thật lòng hay giả đò. Điểm giao thoa và vô khoảng cách giữa người dân Việt chính là việc hiếu hỉ. Thậm chí, có người chỉ đi Lễ An Táng mà thôi. Hiện nay, nhiều giáo xứ đã xây dựng và qui hoạch nghĩa trang để có thể cử hành thánh lễ. Điều này đã gây ấn tượng rất mạnh không chỉ cho những tín hữu khô khan, nhưng còn cho nhiều lương dân khác khi họ chứng kiến những nghi thức tiễn biệt cuối cùng khi có và cả khi không có thánh lễ. Nhiều người lương dân ấn tượng và thích xem khi họ được tham dự lễ cưới và các nghi lễ an táng, đó chính là điều mà sách giáo lý Công Giáo đã dạy. Thêm vào đó, việc cầu nguyện tại gia tuần 3, tuần 7… cho người qua đời chính là cơ hội để nhắc cho người sống cùng đích và hướng đi của cuộc đời mình. Trong thời đại này, một số linh mục lấy lí do về sức khỏe và vệ sinh mà đang hạn chế các hình thức đạo đức cũng như cử hành lễ an táng cầu cho linh hồn của người mới qua đời. Tuy nhiên, nhiều linh mục lại tự nguyện dâng lễ mà không nhận bổng lễ các lễ cưới và lễ trên đất. Điều nay cũng gây phản ứng trái chiều cho các giáo hữu và lương dân. Như vậy, các phong tục về việc hiếu hỷ và tưởng nhớ người quá cố của người Việt chính là một cửa ngõvà cơ hội mà qua đó chúng ta có thể đem Chúa đến cho những người đơn sơ cũng như cả người nguội lạnh nữa.

6/ Tổ chức các cuộc hành hương
Điều chúng ta không thể chối cãi hiện nay là không chỉ nhiều tín hữu khô khan mà có nhiều lương dân đi đến các linh địa, đền thánh để cầu xin. “Sẽ là lí tưởng nếu họ đến để lãnh bí tích hòa giải và tham dự thánh lễ để hưởng ơn toàn xá” nhưng hầu hết họ đến để xin ơn này ơn kia. Ngay ở thị trấn tôi ở, lương dân xung quanh là dân buôn bán nên họ thường đi xin ơn Thánh An-tôn tại linh địa Trại Gáo hàng tuần và gia đình nào cũng có bàn thờ thờ thánh An-tôn. Sẽ là cơ hội tốt nếu ta biết đem Chúa và Tin Mừng cho họ qua sự mộ mến đơn sơ này. Hơn nữa, con người thời nay đang rất cần học hỏi qua các cuộc hành hương . Sẽ là thỏa mãn hai điều kiện du lịch và củng cố lòng đạo đức qua các cuộc hành hương. Điều dễ nhận thấy là người ta dễ dàng xưng tội và muốn xưng tội ở các trung tâm hành hương, thánh địa, mà điều này nếu ở giáo xứ thì việc khuyên họ là điều vô cùng khó khăn.
Tiếp xúc với các thánh địa hay trung tâm hành hương sẽ khơi dậy lòng mộ mến nơi người tín hữu mà qua đó có những bước chuyến ta không thể ngờ và mong ước được. Chỉ có Ơn Chúa và sức thúc đẩy của Chúa Thánh Thần ta mới giải thích được.

VI/ Kết Luận
Như vậy, những sự diễn tả trên đây không ngoài mục đích là “việc đạo đức bình dân có nhiều điều để dạy chúng ta”. Có thể nhiều lúc vô tình hay hữu ý ta hạn chế giá trị của nó, nhưng như Đức Phan-xi-cô I đã nói: “đừng ép buộc cũng đừng muốn kiểm soát sức lực truyền giáo này”[23]. Môi việc chúng ta làm sẽ là tuyệt vời nếu chúng ta biết liên kết với ơn Chúa và việc làm gương sáng của người tông đồ môi trường. Để công cuộc tân Phúc Âm hóa được thực hiện thì chúng ta cần tiến hành song song giữa việc tìm hiểu Thánh Kinh và cổ võ lòng đạo đức bình dân của người dân Việt. Muốn được như vậy thì phải có được sự cộng tác của mọi tín hữu, ở mọi nơi và ngay cả những “Kitô hữu nặc danh” nữa, những anh em lương dân: “ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta”(Mc 9,40).

Antôn Nguyễn Minh Trí
K12 – Đại chủng viện Vinh Thanh

Để lại một bình luận

Tel: 0968428072