Thánh Giuse – con người của mùa Chay

 

Trong niên lịch Phụng vụ hiện hành tháng 3 kính Thánh Giuse thường trùng hợp với thời gian Phụng vụ Mùa Chay, tín hữu được mời gọi để nhìn lên Thánh Giuse như một mẫu gương và đồng thời hướng đến lễ Phục sinh như một chuẩn đích đang đến gần. Sự trùng hợp ấy lặp đi lặp lại khiến tôi có ý nghĩ : Giuse là con người của Mùa Chay.

Gọi như thế không muốn nói ngài đã thực hành việc ăn chay nghiệm ngặt hơn mấy ông Biệt phái; gọi như thế cũng chẳng có ý xa gần ám chỉ đến kiếp chồng chay chồng hờ chả sơ múi gì như kiểu nói vui của mấy vị xồn xồn; nhưng gọi như thế chỉ muốn nêu lên những đức tính nổi bật của ngài, vừa tự nhiên, vừa dễ dàng gần gũi cho mọi người trong hướng sống Mùa Chay, nhất là trong khuôn khổ những ngày tĩnh tâm ở đây.

1. Gọi Giuse là con người của mùa Chay vì lý do thứ nhất là ngài yêu thích sự lặng thầm.
Cuộc đời của Giuse qua Phúc Âm là một cuộc đời gắn liền với gia đình thánh, một cuộc đời có nhiều sóng gió bất ngờ. Thế nhưng, trên nền những sóng gió ấy, người ta gặp thấy một Giuse hoàn toàn lặng thầm, lặng thầm đến độ khó tin. Trong Phúc Âm, Đức Maria vốn thích giữ kín và suy niệm trong lòng, ít ra người ta cũng nghe được nơi Mẹ 7 lời vắn gọn gợi mở suy tư, đằng này, tìm đỏ mắt cũng chẳng gặp một lời nào của Giuse hết, ngay cả một lời vâng vắn gọn, ngay đến một tiếng thở dài. Tuyệt đối không.

Điều này được chứng thực qua những biến cố trong đời của ngài. Sau biến cố truyền tin, thuở Giuse và Maria mới quen nhau, người ta muốn thấy một Giuse nhút nhát không nói được một câu nào. Rồi khi đã đính hôn, Giuse bỗng thấy Maria đã đổi khác nơi vòng số 2, thì thay vì phải làm cho ra lẽ, người ta lại thấy một Giuse băn khoăn, cạy miệng cũng chẳng hé lời. Có người bảo Giuse yếu, có kẻ nói Giuse dại. Mặc kệ. Ồn ào quá dễ, còn biết im lặng trong tình huống căng thẳng như thế không phải ai cũng làm được. Im lặng vốn là quê hương của những tâm hồn lớn mạnh. “Phải can đảm mới bền gan yếu đuối, phải khôn ngoan mới dư trí dại khờ”.

Nhưng phải đến biến cố tìm lại Chúa Giêsu sau ba ngày lạc mất trong Đền thánh, người ta mới thấy lặng thầm là điều Giuse đã chọn lựa như châm ngôn cuộc đời. Trong biến cố ấy, thay vì trong tư cách trưởng gia đình, có thể trách móc Chúa Giêsu như những người cha khác, người ta thấy Giuse lùi lại đằng sau cho Maria tiến lên, người ta thấy Giuse rút vào im lặng cho Maria cất tiếng mở lời. Rõ ràng, đây không chỉ là một tính cách tự nhiên, mà còn là một chọn lựa thực thi đến độ thuần thục.

Thinh lặng là nét đẹp của chay tịnh. Giuse yêu thích sự im lặng, ngài là con người của Mùa Chay.

Trong dịp hành hương tại Nagiarét quê hương của Guise, tôi ngạc nhiên vô cùng khi thấy ngoài đường phố, trong cửa hiệu buôn bán, thậm chí ngay ở quầy tiếp tân của khách sạn, tuyệt nhiên không có lấy một bóng người phụ nữ. Họ ở đâu, không ai biết rõ, chỉ biết chắc rằng tất cả mọi sinh hoạt công khai ngoài mặt phố đều do đàn ông đảm trách. Tôi thắc mắc, và hướng dẫn viên đã giải thích rằng : đây là xã hội của đàn ông, đàn bà không có quyền ăn nói, thậm chí không có quyền xuất hiện. Trong một nếp sống như thế, lẽ ra Giuse có quyền và có bổn phận phải nói, nhưng một khi ngài đã chọn thinh lặng, ắt hẳn sự thinh lặng ấy phải có một giá trị đặc biệt. Vâng, đó là tĩnh tâm, đó là đi vào sa mạc tâm hồn, đó là đường vào của một tình yêu. Thảo nào cha Philippon, op, đã có lần viết : “Ai yêu mến sự thinh lặng sẽ được Thiên Chúa dẫn tới thinh lặng của mến yêu”.

2. Gọi Giuse là con người của Mùa Chay, vì lý do thứ hai, ngài biết lắng nghe và thực hành Lời Chúa.
Cầu nguyện theo định nghĩa đầy đủ gồm nhiều động tác như thờ lạy,tạ ơn, tạ tội, dâng hiến, xin ơn. Nhưng với Giuse, đơn giản thôi, cầu nguyện có nghĩa là lắng nghe và thực thi ý Chúa. Sự lặng thầm của ngài không phải là một thứ ù lì chẳng có gì để nói ra, hay một thứ trống rỗng chẳng thấy chi mà ghi nhận vào. Ngược lại, đó là điều kiện để ngài cầu nguyện. Từ ngữ “giấc mơ” mà Phúc Âm nhắc đi nhắc lại nhiều lần, không muốn nói tới một điều gì khác ngoài hình ảnh của một tâm hồn bỏ ngỏ cho thánh ý Thiên Chúa tự do tác động. Giống như chiếc ống sáo sẵn đợi đó cho làn hơi Thiên Chúa thổi vào làm phát ra những giai điệu ngọt ngào đầm ấm.

Trong biến cố phải đưa Chúa Giêsu và Mẹ Maria lánh nạn sang Ai Cập, rồi sau đó từ Ai Cập trở về Nagiarét, Giuse đã cho thấy một dáng hình cầu nguyện không thể quên được. Ngài vâng nghe và thực hành lệnh Chúa mau mắn đến độ lạ lùng. Thảo nào, con người ấy phút trước đã có thể đi vào giấc ngủ một cách ngon lành, lại còn mơ một cách vô tư, phút sau đã choàng tỉnh dậy khẩn trương lên đưởng. Thế mới biết người quen lắng nghe và thực thi ý Chúa thì tâm hồn họ bình an chừng nào. Ta gọi đó là tâm tình phó thác. Nghe tưởng dễ, nhưng thực ra từ nghe Lời Chúa đến thực hành Lời Ngài là cả một khoảng cách không chỉ đo bằng thiện chí, mà còn bẳng nỗ lực không ngừng. Vất vả đường lưu lạc và bơ vơ nơi đất khách, đó là cái giá Giuse phải trả cho đời phó thác tin yêu.

Mùa Chay cũng là mùa cầu nguyện, là mùa bắc những nhịp cầu thiêng liêng dâng lên Thiên Chúa bằng những kinh nguyện hằng ngày, nhưng cầu nguyện không chỉ là cầu kinh, nghĩa là đọc những kinh quen thuộc soạn sẵn trong sách toàn niên như thói quen đạo đức vốn được thực hiện trong các giáo đường, mà cầu nguyện còn là lắng đọng tâm hồn nhận ra ý Chúa mà đem ra thực hiện. Bằng một hình ảnh khá gợi ý, có tác giả tu đức bảo rằng : nhiều người chỉ quen chắp tay cầu nguyện mà không biết mở tay ra đón nhận ý Chúa. Trong ý hướng ấy, tinh thần cầu nguyện biết lắng nghe và thực thi ý Chúa của Giuse cũng là tinh thần cầu nguyện Mùa Chay cần có cho đời tín hữu.

Có lần một bạn trẻ tân tòng hỏi tôi phải làm những gì khi cầu nguyện, bởi anh không thuộc kinh như những giáo dân đạo gốc đạo dòng vốn đọc kinh từ khi còn bé, tôi hỏi xem anh đã làm gì khi đến nhà thờ. Anh cho biết : mỗi lần đến nhà thờ anh chỉ biết ngồi đực ra nghe : nghe đọc, nghe giảng, nghe hát. Thế thôi, Anh thích lắm nhưng không làm gì hơn được. Tôi bảo anh : tốt lắm, anh đã bắt đầu cầu nguyện rồi đấy, nhưng mới được một nửa, còn một nửa nữa anh có thể tự làm lấy không cần sách vở kinh kệ gì cả, đó là hãy sống những gì anh tâm đắc khi nghe được nơi giáo đường.Cứ nghe và thực hiện như thế, dần dần anh sẽ biết cách cầu nguyện cho mà xem. Qủa nhiên, sau này mỗi khi gặp lại tôi, anh đều xa gần nhắc lại : cách cầu nguyện như thế đã giúp anh sống đạo rất nhiều, nhất là nó đã giúp anh vượt qua được những nghịch cảnh không thiếu trong cuộc sống hiện tại, khi mà vẫn thấy đó đây cái cảnh dật dờ dắt díu dây dưa, đạo đời điên đảo đá đưa đôi đàng.

3. Gọi Giuse là con người của Mùa Chay, còn vì ngài đã tận tụy quên mình phục vụ.
Qua cương vị là “bạn thanh sạch của Đức Maria trọn đời đồng trinh”, có lẽ người ta chỉ cảm nhận được một sự hiện diện nhạt nhòa của Giuse cặm cụi làm được mọi việc, trừ mỗi việc làm chồng, thế mà trên vai lại chất chồng không biết bao nhiêu là trách nhiệm. Nhưng chính ở đó đã sáng lên hình ảnh của một con người tận tụy hy sinh. Đối với thánh nhân, làm là cách nói hay hơn cả. Không băn khoăn, chẳng dị ứng, ngài hết mình làm việc bổn phận được trao phó và hết tình gắn bó yêu thương để trở nên trụ cột không phải của một mái nhà che nắng trú mưa cho qua ngày đoạn tháng, mà là cột trụ của một mái ấm gia đình ở đó mọi thành viên đều cảm nhận được hạnh phúc an sinh.

Qua cương vị là “cha nuôi của Đấng Cứu Thế”, có lẽ người ta cũng chỉ thấy sự có mặt của một người đàn ông lủi thủi, phải cưu mang giọt máu chẳng phải của mình. Nhưng đó lại là ơn gọi lớn Giuse đã khẳng định được với tất cả ý thức trách nhiệm cao độ quên mình. Tất nhiên, không có Thánh Giuse vẫn có Chúa Giêsu, nhưng Chúa Giêsu ấy sẽ khác lắm, không có một gia đình đúng nghĩa, cũng chẳng được pháp luật chở che. Nhưng bởi vì đã có Thánh Giuse, nên Chúa Giêsu đã có nơi an toàn để mà lớn lên trước mặt Thiên Chúa và trước mắt người đời. Chính ở điểm này, hậu thế thích xưng tụng Thánh Giuse là người tận tụy canh giữ Đấng Cứu Thế, đúng như tên gọi một Tông huấn về Thánh Giuse của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II.

Thực ra thì Phúc Âm có gọi Thánh Giuse là người công chính, nhưng danh xưng đẹp nhất của thánh nhân chính là danh xưng đặt ngài trong tương quan với Chúa Giêsu và Đức Maria. Thành thử, qua cương vị ”bạn thanh sạch Đức Maria” và “ Cha nuôi Đấng Cứu Thế”, Thánh Giuse đã xuất hiện như một người tận tụy hy sinh quên mình phục vụ. Với tính cách ấy, ngài chính là con người của Mùa Chay, bởi Mùa Chay cũng là mùa phục vụ.

Tuần trước, ở một giáo xứ nhỏ mới tách ra khỏi giáo xứ mẹ được vài tháng, thấy hầu hết những người trong ban đại diện đều là người trẻ độ 30, tôi ngẫu hứng nói đến tính cách trẻ của yếu tố nhân sự trong Giáo hội.Sau đó, một người trẻ chia sẻ lại với tôi rằng: anh góp mặt trong ban hành giáo không nhắm đến một quyền lợi nào trong tôn giáo cả, mà chỉ muốn đóng góp cùng với người khác một chút gì đó gọi là phục vụ. Bởi anh hiểu phục vụ không phải là nói mà là làm, phục vụ không phải là làm vì mình mà là làm cho người khác,rồi phục vụ không phải là làm để cho người khác biết,mà là chỉ để một mình Chúa biết thôi. Tôi lưu ý anh: coi chừng, khi nhấn mạnh đến phục vụ như thế là dấu cho biết mình vật lộn để có tinh thần phục vụ ấy.Anh thú nhận rằng đúng, và bảo rằng đó là điều anh phải chọn lại mỗi ngày. Tôi bỗng hiểu ra : quên mình chính là điều kiện tiên quyết cho phục vụ, và phục vụ có ý nghĩa nhất là phục vụ khởi đi từ sự quên mình. Như Thánh Giuse đã quên mình, như Thánh Giuse đã phục vụ Đấng Cứu Thế.

Tóm lại, im lặng, nghe và thực thi Lời Chúa, đồng thời quên mình để phục vụ, đó là 3 đức tính làm nên một Giuse, con người của Mùa Chay.

Trong một thành phố lớn khá ồn ào như Sài Gòn đây, có là lạc điệu không khi nói đến sự tĩnh lặng? Trong một nhịp sống kinh tế nhốn nháo thời hội nhập có đầy đủ gió đông gió tây ùa vào, vàng thau lẫn lộn, như một mời mọc giới trẻ, có là lỗi điệu không khi đề cao việc lắng nghe và thực thi Lời Chúa? Và cuối cùng, trong một bầu khí cạnh tranh thi thố khả năng, qua đó người tài mới được tuyển dụng, còn phó thường dân nam bộ chỉ biết cặm cụi ngày 2 buổi đến xưởng đến trường, có là đơn điệu không khi nhà thờ lại cứ thích kêu gọi sống tinh thần phục vụ?

Những câu hỏi ấy và những câu tương tự có thể do người khác hay do tự ta đặt ra với mình, luôn luôn là những trăn trở gợi mở suy tư và gọi mời chọn lựa. Không có câu trả lời soạn sẵn như những người thi vào quốc tịch Mỹ, chỉ cần nhấn nút cuốn Kim Tự Điển là gặp thấy đáp án, rồi ráng học thuộc lòng là xong. Vâng, không có giải pháp làm sẵn, nhưng bù vào đó vẫn có những mẫu gương, những kinh nghiệm, và Thánh Giuse chính là một trong số những mẫu gương gần gũi bình dị ấy.

Thật vậy, đặt ngài trong tương quan với tiếng gọi Mùa Chay, người ta sẽ thấy Giuse như một mẫu gương đời thường khiến ta sẵn sàng noi theo soi bóng, như một kẻ đồng hành dầy dạn kinh nghiệm sẵn sàng chỉ bảo cho ta phương cách hữu hiệu để sửa chữa đổi đời, và còn hơn thế nữa, như một Vị bổn mạng đầy thế lực sẵn sang chuyển cầu cho ta trong những tình huống khó khăn gay cấn nhất của sức khoẻ linh hồn.

Xin nhờ kinh nghiệm của ngài ngày xưa đã thành công trong trách vụ anh giữ Đấng Cứu Thế, ngày nay cũng nâng đỡ phù trợ mọi người trong nhiệm vụ gìn giữ Đấng Cứu Thế trong chính cuộc đời ta và cuộc đời những người lân cận, có thể không bằng cánh tay ở phía trước, nhưng rất thường là bàn tay âm thầm phía sau cho ta được nâng đỡ thôi thúc vững vàng đi lên.
Xin Thánh Giuse cầu cho chúng con biết sống Mùa Chay trọn vẹn như ngài. Amen.

ĐGM. Giuse Vũ Duy Thống

Tin liên quan

Để lại một bình luận

Tel: 0968428072