Thánh Tôma Aquinô
1. Đôi dòng tiểu sử
Hôm nay Giáo Hội cho chúng ta mừng lễ kính thánh Tôma Aquinô, một vị thánh có rất nhiều công đối với Giáo Hội. Giáo Hội phải biết ơn Ngài vì Ngài đã để lại một kho tàng vô cùng quí giá làm nền tảng cho việc đào sâu về giáo lý về đức tin cũng như hướng dẫn về đời sống tu đức.
Tôma sinh ra tại kinh thành Napôli năm 1225 trong một dinh thự thời danh Rocca Secca. Cha ngài là bá tước Landulf làm lãnh chúa đảo Aquinô. Mẹ Ngài là nữ bá tước Theodora của nhà Theate. Chính nhờ ảnh hưởng của gia đình mà Tôma đã hấp thụ được một nền đạo đức chắc chắn nhờ đó mà sau này Ngài đã dựng nên được một lâu đài tinh thần quí giá làm nền tảng cho đời sống trọn lành; một ý chí sắt đá giúp Ngài vững bước trên con đường theo ơn gọi làm môn đệ của Chúa và cuối cùng là một nền học vấn uyên thâm giúp Ngài giải đáp được các vấn nạn của thời đại theo ánh sáng Đức tin.
Hồi nhỏ, Tôma được cha mẹ gửi học ở tu viện Cassino của các cha dòng Bênêđictô. Nhưng 9 năm sau, vì một biến cố chính trị, tu viện bị giải tán, Tôma được gửi về gia đình và tiếp tục học đại học Naples. Nơi đây, Tôma có dịp tiếp xúc với các tu sĩ dòng Ða Minh và cậu bắt đầu say mê lý tưởng sống nghèo khó cũng như làm việc trí thức để truyền bá cho người khác những chân lý mà chính mình thụ đắc được nhờ suy niệm và cầu nguyện.
Năm 1244, Tôma đã có một quyết định như một bước ngoặt của cuộc đời khi Ngài xin khoác bộ áo trắng của dòng Ða Minh. Việc Ngài quyết định như thế đã gây một chấn động mạnh mẽ đối với gia đình, vì mẹ của Ngài từ lâu vẫn ấp ủ một ước vọng thầm kín muốn cho con mình trở thành một người quyền thế ở Cassino. Chính vì thế mà Bà đã quyết định bắt Tôma về giam trong nhà và dùng mọi mưu kế để dụ dỗ, thậm chí trong một cơn mù quáng, bà đã nhờ tới một người con gái trắc nết quyến rũ Tôma để bắt con mình trở về thế gian. Thế nhưng tất cả đã thất bại trước sự chống trả quyết liệt của Tôma. Truyền thuyết kể lại trước sự cám dỗ đê hèn ấy, Tôma đã dùng một thanh củi đang cháy để đuổi người con gái phóng đãng mất nết đó ra khỏi phòng. Sau việc này, Chúa đã sai thiên thần xuống thắt dây trinh khiết biểu hiện huy chương chiến thắng cho Tôma. Thế là Tôma được giải phóng. Ngài vui sướng trở về tu viện và sau đó, ngài được thụ huấn với thánh Albertô Cả, một học giả nổi danh thời ấy.
Năm 27 tuổi, ngài trở thành giảng sư đại học. Với một kiến thức uyên bác hiếm có, Ngài có thể hướng dẫn giới trí thức thời bấy giờ thoát khỏi những sai lầm tai hại do nền triết lý ngoại giáo Hy Lạp lúc đó chi phối. Ngài đã để lại cho hậu thế một công trình tuyệt tác là bộ “Tổng Luận Thần Học” nổi tiếng để làm nền tảng cho sự tra cứu học hỏi về hầu hết những vấn đề có liên hệ đến đức tin. Ngài thú nhận mình đã kín múc tất cả sự thông thái ấy nơi Chúa qua suy niệm và cầu nguyện.
Ngài qua đời năm 1274, khi tuổi đời còn trẻ: 49 tuổi.
Năm 1328, Ðức Giáo Hoàng Gioan XXII tôn phong ngài lên bậc Hiển Thánh.
Năm 1567, Ðức Piô V lại phong ngài làm Tiến Sĩ Hội Thánh với biệt hiệu “Tiến Sĩ Thiên Thần”.
2. Bài học từ cuộc sống.
Cuộc đời của thánh Tôma đã để lại cho hậu thế nhiều bài học
* Bài học đầu tiên đó là lòng yêu mến Chúa Giêsu chịu đóng đinh.
Ngài thường suy gẫm về cuộc khổ nạn của Chúa và múc lấy từ nơi đó nhiều nhân đức, như lời ngài nói:
· Nếu bạn muốn tìm một gương bác ái, thì nầy đây chẳng ai có lòng bác ái lớn hơn người thí mạng sống mình cho bạn hữu. Đó là việc Đức Giêsu đã làm trên thập giá.
· Nếu bạn muốn tìm một tấm gương về sự kiên nhẫn, thì trên thập giá bạn sẽ thấy một sự kiên nhẫn tuyệt vời. Đức Kitô trên thập giá đã chịu những đau khổ lớn lao mà vẫn kiên nhẫn, bởi vì “ khi bị sỉ vả, Người không đe loi, như con chiên bị dẫn vào lò sát sinh, Người không hề mở miệng ”
· Nếu bạn muốn tìm một tấm gương về sự khiêm nhường, bạn hãy nhìn lên Chúa chịu đóng đinh: Người là Thiên Chúa, thế mà Người đã muốn chịu xử dưới thời Philatô và chịu chết.
· Nếu bạn muốn tìm gương khinh chê của cải trần gian, thì bạn chỉ cần chạy theo Đấng là Vua các vua và là Chúa các chúa. Nơi Người tiềm ẩn mọi kho tàng khôn ngoan và thông thái; thế mà trên thập giá, Người đã nên trần truồng, bị chế giễu, đập đánh, đội vòng gai và uống mật đắng với dấm chua …
2. Thêm vào đó, chúng ta còn tìm thấy ở nơi Ngài một đời sống khiêm nhường sâu thẳm và một ý hướng ngay chính trong công việc chuyên môn.
Xét về học thức thì nào có mấy ai được như Tôma. Những tác phẩm của Ngài còn để lại cho chúng ta thấy điều đó. Bộ “Tổng Luận Thần Học” và “Chống Lạc Giáo” là những những kiệt tác được hình thành sau cả một cuộc đời thầm lặng chiêm niệm đến nổi các bạn Ngài đã gán cho Ngài một tên riêng rất đặc biệt: là con bò câm. Thế nhưng Albêrtô lại có một nhận xét về Tôma như sau: “Con bò này sẽ rống lên. Tiếng rống của nó sẽ vang dội khắp cùng thế giới” Và đúng như lời Albêrtô nhận xét, với tư cách là một nhà giảng thuyết lừng danh, đồng thời là một nhà thần học nổi Tôma đã được tặng danh hiệu “ Tiến sĩ thiên thần”, một danh hiệu hoàn toàn xứng đáng với Ngài.
Sự khiêm nhường của Tôma còn được biểu lộ qua việc Ngài từ chối, không nhận chức Giám mục do bề trên đề nghị.
Tôma dù là một sinh viên tài ba nhưng vẫn tỏ ra dễ dạy như một trẻ em. Tại phòng ăn, vị chủ chăn lầm lẫn, đã bắt Ngài sửa lại cách phát âm đã chính xác. Lập tức Toma sửa lại liền. Sau bữa ăn các bạn Ngài bày tỏ sự ngạc nhiên, nhưng thánh nhân trả lời:
– Điều quan trọng không phải là cách phát âm của một từ ngữ, nhưng là biết khiêm tốn vâng phục hay không.
Cuối cùng truyền thuyết thuật lại rằng: Một ngày nọ, đang lúc cầu nguyện, thánh nhân bỗng nghe những lời phát ra từ tượng Chúa Chịu Nạn:
– Hỡi Tôma, con đã viết rất hay về Cha. Con muốn Cha ban thưởng gì cho công việc của con không?
Thánh nhân đáp lại:
– Lạy Chúa, con không muốn gì khác ngoài một mình Chúa.
Vâng! Có Chúa là có tất cả. Ngoài Chúa ra thì mọi sự đều vô ích.