Thờ cúng ông bà có hợp với lời Chúa dạy trong Kinh Thánh không?

 

 

Việc thờ cúng ông bà nói lên lòng mê tín sai lầm cho rằng người chết còn lai vãng trên mặt đất này, vì thế cần phải lập bàn thờ, phải kỵ giỗ, bái lạy, dâng hương khói đầy đủ. Điều này có hợp với lời Chúa dạy trong Kinh thánh không?

Kinh thánh đã nêu lên điều răn của Thiên Chúa: “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, để được sống lâu trên đất mà ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi…” (Xh 20,12)

Điều răn này được ghi trong Luật của ông Mô-sê. Chúa Giêsu đã nhắc lại điều răn ấy và trách các kinh sư và biệt phái là đã không tuân giữa hẳn hoi (x. Mt 15,3-9).

“Thờ cha, kính mẹ”, trong tiếng Do-thái (kabad), có nghĩa là “tôn vinh cha mẹ”, vì cha mẹ là hình ảnh của Thiên Chúa, Đấng mà Kinh thánh trình bày như là người cha (Hs 11,1-4; Is 1,2; Gr 3,19 v.v…) và cũng như là người mẹ (Is 49,15; Hs 11,8; Gr 31,20).

Tất nhiên trong các dân tộc khác nhau, ở mỗi nơi người ta có cách thức riêng để biểu lộ lòng tôn kính cha mẹ, tuỳ theo phong tục của họ: người châu Âu ôm hôn cha mẹ; người châu Á thì chấp tay vái lạy để biểu lộ lòng cung kính, chứ không bao giờ hôn ở chỗ công khai. Thánh Phaolô khi đi truyền giáo cũng phải “nhập gia tuỳ tục” như thế. Ngay sau khi mới bắt đâu tiếp xúc với dân ngoại, người đã không giữ tên Do-thái là Sa-un của mình nữa, mà dùng tên Hy-lạp Phaolô (Cv 9,46). Sau này người còn nói:

“Với người Do thái, tôi đã trở nên Do thái, để chinh phục người Do thái. Với những ai sống theo Lề Luật, tôi đã nên người sống theo Lề Luật, dù không phải sống theo Lề Luật nữa, để chinh phục những người sống theo Lề Luật. Đối với những người sống ngoài Lề Luật, tôi đã trở nên người sống ngoài Lề Luật, dù tôi không sống ngoài luật Thiên Chúa, nhưng sống trong luật Đức Kitô, đê chinh phục những người sống ngoài Lề Luật. Tôi đã trở nên yếu với những người yếu, để chinh phục những người yếu. Tôi đã trở nên tất cả cho mọi người, để bằng mọi cách cứu được một số người” (1 Cr 9,20-22).

Nguyên tắc sống mà thánh Phaolô nêu ra đó, ngày nay được gọi là “hội nhập văn hoá”: người tông đồ đồng hoá cách sống của mình với những người chung quanh, tất nhiên trên bình diện văn hoá, mục đích là để đưa Tin Mừng đến cho họ, giúp họ khám phá ra rằng những gì là tốt lành nơi con người đều phát xuất từ Thiên Chúa, và khi người ta giữ các giới răn của Thiên Chúa, người ta đề cao phẩm giá và bảo vệ chính sự sống của mình.

Việc “thờ cha kính mẹ” rất được coi trọng nơi người châu Á trong đó có dân tộc Việt-nam ta. Điều đó cũng rất phù hợp với đạo lý của Kitô giáo. Chúng ta cần lưu ý vài điểm sau đây:

a. Người châu Á nói chung biểu lộ lòng hiếu thảo đối với cha mẹ không những khi các ngài còn sống, mà cả khi các ngài đã qua đời. Khác với người ngoại giáo cho rằng những người quá cố hoặc là bị tiêu diệt hoàn toàn hoặc là linh hồn họ lai vãng chỗ này chỗ kia trên trái đất, người Công giáo tin rằng ông, bà, tổ tiên của mình đã qua đời một cách nào đó vẫn tồn tại trong Chúa, chứ không bị huỷ diệt thành hư vô. Vì thế tưởng nhớ đến ông bà, tổ tiên là một khía cạnh của mầu nhiệm các thánh thông công trong Nhiệm thể Chúa Kitô.

b. Người Việt-nam gọi lòng hiếu thảo đối với cha mẹ là “đạo hiếu”: tuy gọi là “đạo”, nhưng đây không phải là tôn giáo hay là tín ngưỡng, vì ông, bà, cha, mẹ đã qua đời không phải là những vị thần mà con, cháu phải thờ phượng. Tiếng “đạo” ở đây chỉ có nghĩa là những bổn phận (kiểu như “đạo làm người”) mà con, cháu phải thi hành để biểu lộ lòng hiếu thảo như tưởng nhớ, nhắc lại công ơn, cầu nguyện…

Vì thế việc lập bàn thờ gia tiên trong gia đình (miễn là đặt dưới bàn thờ Chúa), dâng hoa, dâng trái, dâng hương không có nghĩa là dâng của lễ, nhưng có nghĩa là “tôn vinh” theo kiểu nói Kinh thánh “tôn vinh cha mẹ”: nói cách khác các cử chỉ ấy chỉ có mục đích nhắc nhở cho con cháu sự tồn tại của các ngài trong tình yêu Thiên Chúa và công ơn các ngài đã cộng tác với Thiên Chúa để sinh thành, dưỡng nuôi và giáo dục chúng ta.

c. Việc chấp tay vái lạy có nghĩa là bái chào một cách kính cẩn như nhiều dân tộc châu Á vẫn hiểu và làm (ví dụ Nhật, Trung-quốc, Hàn quốc, Thái-lan…), chứ không nhất thiết có nghĩa là tôn-thờ.

d. Ngày giỗ hay “kỵ nhật” là ngày kỷ niệm giáp năm ngày chết : đó là ngày mà con cháu thường họp nhau để kính nhớ tổ tiên, cầu nguyện cho các ngài, chứ không phải là ngày tế-tự hay kiêng kỵ.

Các giám mục miền Nam Việt-nam năm 1974 đã cho phép các tín hữu Công giáo trên đất nước này tôn kính tổ tiên “theo phong tục địa phương” và theo tinh thần như vừa nêu trên: đó là một cách cụ thể tuân giữ giới răn Chúa dạy “phải thờ cha, kính mẹ”. Các giám mục cũng khuyên chúng ta phải tránh những phong tục mê tín, dị đoan như đặt hồn bạch (đăt khăn trắng lên mặt người chết để giữ linh hồn họ lại), đốt vàng, mã… Ngoài ra người công giáo chúng ta cũng nên tránh những cử chỉ, những vật liệu có thể gây hiểu lầm cho người ngoại giáo cũng như cho những anh em Kitô hữu không phải Công giáo.

(Norberto, ofmvn.org)

Tin liên quan

Để lại một bình luận

Tel: 0968428072