Thứ năm Tuần Thánh

Thánh lễ Tiệc Ly

 

        Thánh lễ chiều thứ năm mở đầu cho Tam Nhật Thánh – được Giáo hội gọi bằng một hạn từ mang sắc thái ly biệt, diễn tả thời khắc xúc động khi Đức Giêsu ăn bữa tiệc cuối cùng với các môn đệ dấu yêu, trước khi lên Giêrusalem chịu khổ hình và chịu chết. Lễ Tiệc Ly lột tả ba chiều kích đặc biệt.
        Trước hết, chiều kích thanh tẩy. Khác với những di chúc hay trăng trối của người đời để lại trước lúc lâm chung, trong Bữa Tiệc Ly, Đức Giêsu đã làm một hành động lạ lùng: Người rời bàn ăn, cởi áo ngoài, lấy khăn thắt lưng, rồi đổ nước vào chậu, rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau. Ngay cả các môn đệ cũng khó hiểu về mối tương quan giữa bữa Tiệc Ly và cử chỉ rửa chân cho các môn đệ của Chúa Giêsu. Thánh Gioan giải thích rằng nếu không được Đức Giêsu rửa chân, các Tông đồ không được chung phần với Chúa (Ga 13,9) vì “không phải tất cả đều sạch” (c.11). Trong câu nói này, Đức Giêsu muốn ám chỉ Giuđa, kẻ nộp Người, và qua đó nhấn mạnh chiều kích thứ nhất của bữa Tiệc Ly là thanh tẩy.
         Kế đến, trong bữa Tiệc Ly, Đức Giêsu lập phép Thánh Thể, diễn tả chiều kích tự hiến chính bản thân Người khi chết trên cây Thập Giá. Thánh Phaolô trong Bài đọc 2 viết: “Trong đêm bị trao nộp, Đức Giêsu cầm lấy bánh… và nói “Đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em” (1Cr 11,24). Theo nghĩa này, Đức Giêsu tự hiến tế chính mình Người, nghĩa là dám chết cho người khác. Thánh Gioan nói: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của Người đã hy sinh mạng sống vì bạn hữu mình” (Ga 15,13). Đó là tình yêu Đức Giêsu dành cho con người. Thánh Phaolô nói: “Hầu như không ai chết vì Người công chính, họa may có ai dám chết vì một người lương thiện chăng?. Thế mà Đức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; Đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta” (Rm 5,6-7).
          Cũng trong bữa Tiệc Ly, Đức Giêsu lặp ranh giới mới rằng: “Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con”. (Ga 13,34). Quả thật, nếu con người biết yêu thương nhau đến nỗi sẵn sàng hy sinh cho nhau như Chúa đã yêu thì còn gì hạnh phúc hơn? Ở đây, Đức Giêsu muốn hướng đến tình yêu tha nhân và là nhựa sống gắn kết người môn đệ với Đức Giêsu vì “Đức Giêsu vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở trần gian” (Ga 13,1). Sự thông phần với Thầy Chí Thánh sau khi Người ra đi vẫn được duy trì nhờ tình yêu dành cho nhau. Như vậy, nghĩa cử tha thứ, hy sinh cho nhau là cầu nối giữa các môn đệ và Thầy Chí Thánh, hiện tại với tương lai, và giữa thực tại trần thế với thực tại Thần Linh.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết yêu người khác, kể cả kẻ thù của con, như Chúa đã dạy, để Thánh lễ Tiệc Ly năm nay là dấu ấn tình yêu và bình an của đời con. Amen.
Trích: Sống Lời Chúa
Ban Truyền Thông

Tin liên quan

Để lại một bình luận

Tel: 0968428072