Tìm hiểu về Văn Phòng Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh (30/9/2013)

Từ ngày Đức Hồng Y Bergoglio được bầu chọn trở thành Giáo hoàng Phanxico của Giáo Hội Công gíao, thế giới chú ý nhiều đến nếp sống Giáo Hội Công Giáo nhiều hơn. Lẽ dĩ nhiên trong đó có tò mò cùng pha lẫn cả khía cạnh tiêu cực nữa, đang lúc Giáo Hội có nhiều những tin tức không sáng sủa và cần phải sửa chữa canh tân, cùng những khó khăn đòi hỏi thách thức về nhiều mặt.

Ngày 31.08.2013 ngài đã bổ nhiệm vị tân Quốc vụ khanh tòa Thánh Đức Tổng giám mục Pietro Parolin thay thế vị đương kim Quốc vụ Khanh Đức Hồng Y Tarcisio Bertone. Theo dư luận, việc bổ nhiệm này được chờ đợi từ lâu.

Quốc vụ khanh tòa thánh là gì?

 

1. Trong dòng lịch sử thành hình.

Chức vụ này tương đối mới, nhưng từ thời Trung cổ cũng đã có những Thư ký lo giúp việc cho Đức Giáo Hoàng rồi. Vì thế, có thể nói, những văn phòng thư ký đó là tiền thân cho cơ quan văn phòng Quốc vụ Khanh tòa thánh được thành hình sau đó.

Thời các vị Giáo Hoàng cư ngụ ở thành Avignon bên Pháp năm 1338 đã có bút tích ghi lại về chức vụ này theo khuôn mẫu của các chính phủ nước Anh và Pháp. Nhiệm vụ của những vị Thư ký này lo về việc hành chính, tiền bạc, về mối liên lạc cũng như nhưng thư từ, chứng thư của văn phòng tòa thánh.

Những Thư ký tòa thánh từ thời Đức Giáo Hoàng Benedicto XII. (1334-1342) lo công việc ngoại giao trong văn phòng tòa thánh.

Đến đầu thế kỷ thứ 15. vì tính cách cần thiết do công việc thêm nhiều cùng phải mau chóng thi hành, nên một cơ quan hành chánh mới được thánh lập như „Camera Secreta“ thời Đức Giáo Hoàng Martin V. (1417 -1431), và „Secretaria Apostolica“ thời Đức Giáo Hoàng Innocenz VIII. 1484 -1492 qua Tông huấn „Non debet reprehensible“ ngày 31. 12.1487 được chính thức sắp xếp cho có thứ tự với 24 vị Thư ký và có một vị „ Secretarius domesticus“ đứng đầu văn phòng.

Dưới thời Đức Giáo Hoàng Leo X. ( Giovanni de Medici 1513-1521) cơ quan hành chánh Secretarius intimus được thành lập lo việc hành chành nội bộ tòa thánh.

Secretarius intimus, cả Secretarius Papae hay Secretarius maior một thời gian dài hầu như do một vị linh mục có hàm tước Đức Ông đứng đầu, rất hiếm có vị nào có chức Giám mục. Nhưng từ thời Đức Giáo Hoàng Innozenz X. ( Gioavanni Battista Pamphilj 1644-1655) cơ quan này được ấn định do một vị Hồng Y đứng đầu.

Thời Đức Giáo Hoàng Innozenz XII. ( Antonio Pignatelli 1691-1700) chính thức trao toàn quyền cho vị Quốc vụ Khanh tòa thánh lo việc nội bộ cũng như ngoại vụ của tòa thánh, như một quốc gia.

Nhưng cơ quan phủ bộ này do hoàn cảnh vì công việc hành chánh trong dòng lịch sử Giáo Hội được lập ra. Nên nó cũng không tránh khỏi luật cần phải được điều chỉnh canh cải trong dòng thời gian.

 

2. Những canh tân cải tổ trong dòng thời gian

Thời Đức Giáo Hoàng Gregor XVI. ( Bartolomeo Alberto Mauro Cappellari 1831-1864) văn phòng Quốc vụ Khanh được cải tổ lại chia thành hai văn phòng riêng biệt với hai vị Quốc vụ Khanh, một vị lo việc nội bội của quốc gia tòa thánh, một vị lo việc hành chánh ngoại vụ.

Đến thời Thánh giáo hoàng Pius IX. ( Giovanni Maria Mastai Ferretti, 1846-1878) năm 1846 bãi bỏ hai vị Quốc vụ khanh cho văn phòng này, nhưng chia văn phòng thành hai , một lo việc nội bộ, một lo việc ngoại vụ của tòa thánh.

Văn phòng Quốc vụ khanh Tòa thánh từ năm 1917 được chính thức ghi trong bộ Gíao Luật 1917 Canon 262 với danh hiệu Officium Secretariae Status, cuius moderator est cardinalis Secretarius Status.

Thời Đức gíao hoàng Phaolo VI. ( Giovanni Battista Montini 1963-1978) Văn phòng Quốc vụ Khanh được cải tổ có chỗ đứng quan trọng mới trong giáo triều. Văn phòng Quốc vụ Khanh trở thành cơ quan hành chánh đứng đầu các bộ phủ trong Giáo triều Roma với quyền hạn rộng lớn toàn quyền, như một „ siêu văn phòng bộ phủ“.

Văn phòng Quốc vụ Khanh tòa thánh có nhiệm vụ trực tiếp trợ giúp Đức Giáo Hoàng trong việc lo cho toàn thể Guáo Hội và những mối liên lạc với những Văn phòng bộ phủ trong giáo triều. Văn phòng có toàn quyền trong phạm vi được Đức Giáo Hoàng trao cho, và những gì không nằm trong trách nhiệm của các văn phòng cơ quan bộ phủ khác trong giáo triều. Như Đức Hồng Y Paul Poupard đã nói về Văn phòng Quốc vụ Khanh tòa thánh là „ lỗ tai, trái tim và cánh tay của Đức Giáo Hoàng.“

Thời Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II. (Karol Wojtila, 1978-2005), ngày 28.06.1988 qua Tông huấn Pastor Bonus, lại có cải tổ trong giáo triều Roma. Khoản 39 nói đến việc cải tổ Văn phòng Quốc vụ Khanh tòa thánh: Văn phòng này do vị Hồng vị đứng đầu. Văn phòng bao gồm hai nhánh, một nhánh cho những công việc chung trong Giáo Hội do một vị phụ tá đứng đầu, và một nhánh lo việc ngoại giao liên lạc với những quốc gia trên thế giới có vị thư ký riêng cùng có vị thư ký phụ tá bên cạnh.

Xưa nay người ta thường nghĩ và nói, Vị Quốc vụ Khanh Toà Thánh là nhân vật quan trọng thứ hai sau Đức Giáo Hoàng ở Tòa Thánh Vatican. Vị Quốc vụ Khanh được coi như là Thủ tướng người đứng đầu chính phủ quốc gia Vatican.

Vì là người trực tiếp làm việc bên cạnh Đức Giáo Hoàng, là người được Đức Giáo Hoàng tín nhiệm như „alter ego“ của Đức gíao hoàng, nên các Vị Hồng Y Quốc vụ Khanh do chính Đức Giáo Hoàng tuyển chọn bổ nhiệm, và thường là người Ý. Tuy vậy cũng có trường hợp trừ.

 

3. Một vài vị Quốc vụ Khanh

Đức gíao hoàng Pius XII. ( Eugenio Pacelli 1939-1958) ̣ trước khi được bầu chọn trở thánh Giáo Hoàng đã từng là Hồng Y Quốc vụ Khanh lỗi lạc sáng chói trong giáo triều Roma từ 1930-1939. Nhưng khi Vị Hồng Y quốc vụ Khanh Luigi Maglione của triều đại ngài qua đời, ngài đã không bổ nhiệm ai thay thếvị Quốc vụ Khanh đã qua đời. Ngài tự lo việc văn phòng Quốc vụ Khanh. Đây là một trường hợp ngoại lệ đặc biệt.

Ngày 2.5.1969 Đức Giáo Hoàng Phaolo V. đã bổ nhiệm Đức Hồng Y người Pháp Jean Villot, Tổng giám mục Lyon, làm Quốc vụ Khanh tòa Thánh, đã là điều gây ngạc nhiên, và thành cơn „ sốc“ cho nhiều giới. Nhưng Đức Giáo Hoàng Phaolo V. qua đó muốn quyết tâm quốc tế hóa bộ phủ giáo triều Roma, mà bấy lâu đều do người Ý nắm giữ các bộ phủ.

Khi Đức Hồng Y Quốc vụ Khanh Jean Villot qua đời năm 1979 , Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II. có quyết định cũng gây ngạc nhiên cho nhiều người. Ngài bổ nhiệm Monsignore Agostino Casaroli , là vị Bộ trưởng ngại giao Tòa Thánh, làm Quốc vụ Khanh tòa thánh.

Đức Hồng Y Quốc vụ Khanh Casaroli còn gây ngạc nhiên nữa khi ngài đề ra chính sách về phía Đông với những nước Cộng Sản khối Sô Viết. Ngài là kiến trúc sư cho chính sách đối thoại này với chính phủ các nước Cộng sản Đông Âu. Chính sách này không được các vị chủ chăn ở những nước bên vùng Đông Âu tán thưởng bằng lòng, nhất là những vị chủ chăn nước Ba Lan của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II. hầu như thẳng thắn chống vị Quốc vụ Khanh Casaroli.

Nhưng Đức Hồng Y Quốc vụ Khanh Casaroli là nhà ngoại giao chuyên nghiệp tài giỏi trên trường quốc tế. Ngài có khả năng thiên phú về lãnh vực này. Nên ngài được mọi người trên thế giới, nhất là các Chính phủ kính trọng nể vì. Ngài đã từng được bầu làm Chủ Tịch Cơ quan Hội nghị an ninh hợp tác Âu châu. Có lẽ vì thế mà Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II. đã chọn ngài là „tai mắt trái tim cánh tay“ cho mình trong chức vụ Quốc vụ Khanh.

Năm 1990 Đức Hồng Y Quốc vụ Khanh Casaroli lui về nghỉ hưu, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II. đã đề cử Đức Tổng giám mục Angelo Sodano làm Quốc vụ Khanh thay thế. Từ năm 1978-1988 ngài đã là Sứ Thần tòa thánh ở bên nước Chile.

Năm 2006 Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI. bổ nhiệm Đức Hồng Y Tarcisio Bertone (2006- 2013) thay thế Đức Hồng Y Sodano đi nghỉ hưu, trong chức vụ Quốc vụ Khanh tòa thánh. Trước đây từ 1995-2002 Đức Hồng Y Bertone đã là thư ký cho Đức Giáo Hoàng, khi ngài còn là Bộ trưởng Bộ tín lý đức tin dưới thời Á Thánh giáo hoàng Gioan Phaolo II.

Dưới thời Đức Hồng Y Quốc vụ Khanh Bertone giới quan sát bình luận nhận xét có nhiều sự việc tiêu cực gây xa lạ có khi còn hoang mang cho sinh hoạt trong Giáo Hội.

Và ngày 31.08.2013 Đức đương kim Giáo Hoàng Phanxico đã bổ nhiệm Đức tổng giám mục Pietro Parolin , đang là Sứ Thần tòa Thánh ở nước Venezuela, làm Quốc vụ Khanh tòa Thánh thay thế Đức Hồng Y Bertone đi nghỉ hưu. Đức tổng giám mục Parolin là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp sáng gía. Ngài đã được cử làm Trưởng đoàn hội đàm với các chính phủ Israel, Việt Nam về liên lạc ngoại giao đẳng cấp quốc gia cũng như về Tôn giáo. Và ngài là người tìm con đường liên lạc đối thoại với chính phủ Bắc Kinh.

Vị tân Quốc vụ Khanh Pietro Parolin là người còn trẻ , 58 tuổi, trong chức vụ này. Nhiều giới quan sát bình luận cho đây là bước khởi đầu sự cải tổ canh tân giáo triều Roma của Đức Giáo Hoàng Phanxico.

Như các vị tiền nhiệm, rồi đây ngài sẽ được thăng tước vị Hồng Y trong Giáo Hội. Ngài sẽ bắt đầu sứ vụ mới ngày 15.10.2013.

Xưa nay hầu như mọi việc hành chánh trong ngoài của Tòa Thánh Roma đều do phủ Quốc vụ Khanh phụ trách. Nhưng từ ngày Đức Giáo Hoàng Phanxico lên, ngài đã lập ra Ban cố vấn gồm các Vị Hồng Y của nhiều nước để cùng giúp ngài trong việc cải tổ điều hành Giáo Hội. Có thể vì thế, văn phòng Quốc vụ Khanh và vị Quốc vụ Khanh sẽ không còn làm việc theo cung cách như xưa nay nữa.

**********************

Á Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolo II. đã canh tân cải tổ bộ máy hành chánh của giáo triều Roma cách đây từ hơn hai thập niên qua. Theo với sự phát triển của dòng lịch sử thời gian, những cơ cấu tổ chức đó cũng cần phải xét lại và canh tân cải tổ, cho có hiệu qủa cùng phù hợp với sứ mệnh làm chứng truyền giáo của Giáo Hội trong dòng thời gian.

Prälat Stephan Heße năm 2012 được Đức Hồng Y Joachim Meisner bổ nhiệm làm Cha Chính cho Tổng giáo phận Cologne, một chức vụ được Đức Tổng giám mục tín nhiệm trao cho toàn quyền thay thế ngài trong công việc hành chánh, tài chánh của Tổng giáo phận.

Prälat Heße đã phát biểu suy tư của mình: „Tôi vui mừng và cám ơn Đức Hồng Y tín nhiệm cử tôi vào chức vụ Cha Chính như một „Alter ego“ của Đức Hồng Y . Nhưng tôi sẽ cố gắng sống cư xử làm sao „ mehr Priester als Manager – nhiều tính chất Linh mục hơn là một người quản trị!“.

Monsignore Luigi Bettazzi đã có suy tư nhận định về chức vụ Quốc vụ Khanh tòa thánh, và ngài cho đó là quan trọng, vị đó phải là „vị Quốc vụ Khanh cho Giáo Hội Chúa nhiều hơn là Bộ Trưởng cho một quốc gia đất nước!“

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long

Để lại một bình luận

Tel: 0968428072