Việc Nga xâm lược Ukraina và cách Putin chơi khăm Đức Phanxicô

by Phanxicovn

Đức Phanxicô tiếp Tổng thống Vladimir Putin ngày 4 tháng 7 – 2019 tại Vatican / PHOTOSHOT/MAXPPP)

international.la-croix.com, Robert Mickens, 2022-02-25

“Một người chỉ nghĩ đến việc xây tường, bất cứ nơi nào có thể, chứ không xây cầu, thì không phải là người tín hữu kitô.”

Đức Phanxicô đã gây sốc và tức giận cho một số người khi ngài nói câu này trên chuyến bay đưa ngài từ Mêxicô về Rôma vào tháng 2 năm 2014.

Ngài trả lời câu hỏi của một ký giả về tổng thống Donald Trump, khi đó ông đang tranh cử để làm tổng thống Mỹ. Trước đó vài tháng ngài đã tuyên bố câu nói nổi tiếng: “Tôi là ai để phán xét?”, ngay lập tức ngài bị những người ủng hộ ông Trump và cả người công giáo chỉ trích vì đã phán xét.

Nhưng có những người khác đứng ra bảo vệ ngài. Họ nói ngài không phán xét tâm hồn ông Trump, nhưng chỉ nói, việc dựng các bức tường và rào cản không phải việc người tín hữu kitô nên làm.

“Người nào xâm lược một đất nước khác thì không phải là tín hữu kitô”

Sự kiện nổi đình nổi đám năm 2014 đến trong đầu tôi khi tổng thống Vladimir Putin ra lệnh cho quân đội Nga tấn công trên ba mặt trận vào Ukraina và xâm lược nước láng giềng phương Tây của họ.

Putin được nhiều người bảo thủ địa chính trị kể cả người công giáo ca ngợi là người bảo vệ kitô giáo lớn nhất khi ông đối diện với chủ nghĩa thế tục vô thần ở châu Âu và chủ nghĩa khủng bố hồi giáo ở Trung Đông.

Nhưng sau vụ xâm lăng Ukraina, chúng ta có thể hình dung phản ứng của giáo hoàng sẽ như sau: “Người nào ra lệnh cuộc xâm lược quân sự đẫm máu vào một quốc gia có chủ quyền nhằm chiếm đoạt lãnh thổ của quốc gia này thì không phải là tín hữu kitô.”

Nhưng Đức Phanxicô đã không nói như vậy.

Chúng ta hãy chính xác, giáo hoàng 85 tuổi Dòng Tên đã không ban phép lành cho việc chiếm đất ác độc của Putin.

Nhưng trên thực tế, ngài đã phá vỡ nghi thức ngoại giao, ngày thứ sáu 25 tháng 2, ngài đích thân đến Đại sứ quán Nga tại Tòa thánh, gần Quảng trường Thánh Phêrô để bày tỏ mối quan tâm sâu xa của ngài về vụ xâm lược Ukraina.

Trong những tuần vừa qua, ngài đã đưa ra một số lời kêu gọi rất mạnh cho hòa bình ở đất nước. Thậm chí ngài còn xin dành ngày thứ tư Lễ Tro 2 tháng 3 sắp tới làm ngày ăn chay cầu nguyện cho hòa bình ở các quốc gia Đông Âu.

Những cái tên không được nêu lên

Nhưng giáo hoàng đã không thể nhắc đến tên nước Nga trong bối cảnh xung đột ở Ukraina, cũng không nhắc đến tên ông Vladimir Putin. Ngài đã không làm như vậy dù chỉ một lần trong gần chín năm đứng đầu Giáo hội công giáo la-mã.

Thay vì vậy, ngài thận trọng kêu gọi “những người có trách nhiệm chính trị” giải quyết một cách hòa bình tình hình đáng lo ngại ở Ukraina.

Trong bài “Urbi et Orbi” (cho thành phố Rôma và cho Thế giới) trong dịp lễ Giáng Sinh vừa qua, khi ngài thường nêu bật những điểm nóng bỏng trên thế giới, ngài đã phải nén lòng. Ngài chưa một lần nhắc đến tên nước Nga.

Thay vào đó, ngài nói với “Hài Nhi Giêsu” và “vua của muôn dân”: “Xin là nguồn ánh sáng và nâng đỡ cho tất cả những ai tin tưởng và nỗ lực, bất chấp mọi trở ngại, để tiến tới gặp gỡ và đối thoại. Ở Ukraina, chúng ta hãy ngăn chặn những bùng phát mới của một cuộc xung đột đã có từ lâu.”

Một cuộc xung đột dai dẳng giữa ai? Ngài không dám nói.

Vỗ vềVladimir Putin

Sau đó vài tuần, trong bài diễn văn hàng năm về “tình trạng của thế giới” trước các đại sứ tại Tòa thánh, một lần nữa ngài quyết định không nhắc đến tên nước Nga.

Ngài nói: “Sự tin tưởng qua về và sự sẵn sàng tham dự các cuộc thảo luận điềm tĩnh cho tất cả các bên đang bị đe dọa, để có thể tìm ra các giải pháp lâu dài và có thể chấp nhận được ở Ukraina và ở nam Caucasus, đồng thời có thể tránh được sự bùng nổ các cuộc khủng hoảng mới ở Balkan, chủ yếu ở Bosnia và Herzegovina”, ngài gom chung một số cuộc xung đột trong một vùng lãnh thổ rất rộng, và không nêu tên một nước cụ thể nào.

Vì sao Đức Phanxicô, nhà lãnh đạo có tiếng nói mạnh nhất thế giới trong việc thúc đẩy hòa bình và lên án chiến tranh, lại đột nhiên khựng giọng khi nói đến những hành động tàn bạo của Nga do cựu điệp viên KGB Vladimir Putin dàn dựng?

Thay vào đó, kể từ những tháng đầu tiên triều giáo hoàng của ngài, ngài đã vỗ về Putin.

Đức Phanxicô đã viết cho nhà lãnh đạo Điện Kremlin một bức thư thân mật vào tháng 9 năm 2103 khi Nga đang tổ chức các cuộc đàm phán giữa các quốc gia phát triển kinh tế nhất G20. Giáo hoàng ca ngợi Liên bang Nga, nhắc rằng “Nga luôn có vai trò tích cực trong việc thúc đẩy quản trị tốt nền tài chính thế giới”.

Sau đó, ngài kêu gọi ông Putin không nên quên tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho “tình hình ở Trung Đông và đặc biệt là ở Syria”.

Cuộc họp đầu tiên trong ba cuộc họp tại Vatican

Hai tháng sau, nhà lãnh đạo Nga có mặt tại Vatican lần đầu tiên trong ba cuộc gặp với Đức Phanxicô.

Cuộc gặp đầu tiên dài trong 35 phút, hai người đã thảo luận về kế hoạch cho hòa bình ở Syria.

Dĩ nhiên chẳng có gì xảy ra. Nhưng có những người đã lập luận để bảo vệ Đức Phanxicô, rằng mục tiêu của ngài luôn là giữ cho các nhà lãnh đạo bất hảo tham gia vào cuộc đối thoại.

Ngài gặp Putin lần thứ hai tháng 6 năm 2015. Đó là khoảng một năm sau khi Nga sáp nhập Crimea, bán đảo ở Biển Đen mà Liên hợp quốc và hầu hết các quốc gia coi là một phần của Ukraina.

Cuộc gặp kéo dài 50 phút và chủ đề thảo luận chính là miền Đông Ukraina, nơi các lực lượng chính phủ Ukraina và phiến quân thân Mátxcơva đã xung đột từ hơn một năm.

Vào thời điểm đó, có hơn 6000 người đã thiệt mạng kể từ khi cuộc nổi dậy của phe ly khai bùng nổ.

“Đó là tình huống rất nghiêm trọng”

Các chính phủ phương Tây và Kyiv đổ lỗi cho Nga về cuộc xung đột này, họ trang bị vũ khí cho quân nổi dậy. Dĩ nhiên Mátxcơva bác bỏ mọi cáo buộc.

Ông Ken Hackett, đại sứ Hoa Kỳ tại Tòa thánh vào thời điểm Đức Phanxicô gặp ông Putin năm 2015, đã bày tỏ hy vọng, ngài sẽ thúc đẩy nhà lãnh đạo Nga về vai trò của nước Nga trong cuộc xung đột.

Đại sứ Hackett nói với các phóng viên: “Có thể đây là dịp ngài nói trong vòng riêng tư các lo ngại của ngài. Chúng tôi nghĩ, hai người có thể nói điều gì đó nhiều hơn về mối quan tâm đến sự toàn vẹn lãnh thổ, những loại vấn đề đó.”

Đại sứ Mỹ cho biết: “Có vẻ như Nga đang hỗ trợ quân nổi dậy. Và có vẻ như có quân đội Nga bên trong Ukraina. Đây là tình huống rất nghiêm trọng.” Nhưng giáo hoàng đã cẩn thận để không đổ lỗi cho Nga về vụ bạo lực ở Ukraina. Tại sao?

Cuộc gặp lịch sử ở Havana

Câu trả lời đến đúng một năm sau khi Đức Phanxicô đạt được một điều gì đó đã làm cho các vị tiền nhiệm của ngài né tránh. Ngài là giám mục Rôma đầu tiên có cuộc gặp trực tiếp với Đức Thượng phụ Mátxcơva, Kirill, người đứng đầu Giáo hội chính thống Nga.

Mục đích cuộc gặp được mong đợi từ lâu trong tinh thần đại kết – nhằm củng cố mối quan hệ tốt hơn giữa Rôma và Giáo hội lớn nhất, quan trọng nhất của tín hữu kitô chính thống, điều mà Tòa Thượng phụ Mátxcơva chưa bao giờ quá nhiệt tình.

Trong cuộc gặp lịch sử tháng 2 năm 2016 – tại sân bay quốc tế Havana, Cuba – Đức Phanxicô và Đức Thượng phụ Kirill đã ký một tuyên bố chung về cuộc xung đột Ukraina, kêu gọi “tất cả các bên liên quan đến cuộc xung đột phải thận trọng”.

Người Ukraina cảm thấy bị phản bội bởi lời tuyên bố lạnh nhạt. Nhưng không có phản ứng gì của các thành viên Giáo hội công giáo hy-lạp Ukraina.

Mặc dù việc giáo hoàng sẵn sàng để mình bị tổn thương trước người chính thống Nga lúc đó có thể xem như một sứ ngôn, nhưng bây giờ có vẻ như điều này là một tính toán sai lầm to lớn khi đã đọc sai và ngây thơ lịch sử chính thống giáo.

Xoa dịu người này, hy sinh người khác

Với một độ lùi, có vẻ như bây giờ rõ ràng hơn, Đức Phanxicô đã chọn cách xoa dịu – trước tiên, về phía Putin; và thứ hai, về phía Thượng phụ Kirill – để nhận được lời mời đến thăm Nga, điều mà chưa có giáo hoàng la-mã nào có thể làm được.

Lời mời không bao giờ đến. Nhưng Putin đã trở lại Vatican tháng 7 năm 2019 để gặp Đức Phanxicô lần thứ ba, lần này cuộc gặp dài 55 phút. Và cũng giống như hai lần gặp trước, nhà lãnh đạo Điện Kremlin đến trễ 1 giờ với giờ hẹn.

Rõ ràng Vladimir Putin chơi trò vô liêm sỉ với tôn giáo và đùa với Đức Phanxicô để theo đuổi tham vọng lãnh thổ của ông.

“Sa hoàng Vladimir”cùng hợp tác với Thượng phụ Kirill và các bạn bè chính thống của ông để ủng hộ các kế hoạch bành trướng nhằm chiếm lại các vùng đất từng là một phần của Đế chế Nga.

Tuần trước, Thượng phụ Kirill đã ca ngợi quân đội Nga và nói quân nhân Nga đang đi trên con đường đúng đắn.

Nhưng liệu giáo hoàng và các phụ tá của ngài tại Vatican có thực sự tin xoa dịu những người đầu sỏ chính trị và những người đứng đầu Nga là chiến lược tốt nhất trong việc thúc đẩy sự hiệp nhất kitô giáo không?

Và trên bàn thờ nào họ sẵn sàng hy sinh người dân Ukraina để làm được điều này?

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Để lại một bình luận

Tel: 0968428072