Ý nghĩa của ngày Chúa Nhật
ÐTC Gioan Phaolô II nói về ý nghĩa của Ngày Chúa Nhật trong buổi đọc kinh Truyền Tin Trưa Chúa Nhật ngày 12/07/98, tại làng LORENZAGO di Cadore, MIỀN NÚI đông bắc của Italia nơi Ngài đang nghỉ hè.
ÐTC đã nói đến ý nghĩa thứ nhất của Ngày Chúa Nhật: Dies DOMINI, Ngày của Thiên Chúa, Ngày cử hành công cuộc Tạo Dựng, và có liên hệ đến ngày Nghỉ của Thiên Chúa, sau những ngày Tạo Dựng Vũ Trụ. Ngày Nghỉ Sabát của dân Do Thái là tiền thân của Ngày Chúa Nhật của Kitô giáo. Ðây, chúng ta hãy nghe ÐTC giải thích về ý nghĩa nầy, như sau:
Anh chị em rất thân mến,
1. Tôi xin gởi lời chào chân thành đến tất cả anh chị em.
Từ nơi nghỉ hè nầy, trong cảnh hùng vĩ của các ngọn núi của miền Cadore, Tôi xin nhắc đến bức Tông Thư “Ngày của Chúa” (Dies Domini), đã được công bố hôm thứ Ba vừa qua, mùng 7/07/98. Một cách đặc biệt, tôi muốn nói đến một khía cạnh của Ngày Chúa Nhật, khía cạnh liên kết ngày thánh nầy của những người Kitô với những gì Kinh Thánh nói về ngày Sabbat, ngày của Thiên Chúa trong Cựu Ước, ngày mà những anh chị em Do Thái Giáo của chúng ta ngày nay vẫn cử hành. Kết thúc bài tường thuật về một tuần lễ tạo dựng vũ trụ, chương thứ nhất của sách Sáng Thế nói rằng Thiên Chúa nghỉ việc “vào ngày thứ Bảy”, và Ngài “chúc lành cho Ngày Thứ Bảy và thánh hóa ngày ấy” (STK 2,2-3). Ngày Sabát, Ngày thứ Bảy trong Kinh Thánh Cựu Ước, có liên hệ đến Mầu Nhiệm của việc Thiên Chúa nghỉ ngơi. Nếu chúng ta, những người Kitô, chúng ta cử hành ngày của Chúa vào ngày Chúa Nhật, đó là bởi vì trong ngày nầy, đã xảy ra biến Cố Chúa Kitô phục sinh, ngày hoàn tất công việc tạo dựng đầu tiên và bắt đầu công việc tạo dựng mới. Trong Chúa Kitô Phục Sinh, việc nghỉ ngơi của Thiên Chúa đạt đến sự thể hiện trọn đầy nhất của nó.
2. Qua hình ảnh Thiên Chúa nghỉ việc, Kinh Thánh nói đến sự vui mừng thỏa mãn của Ðấng tạo hóa trước những công cuộc do Tay Ngài làm ra. Vào ngày thứ Bảy, Thiên Chúa quay lại nhìn đến con người và thế giới, với lòng khâm phục và đầy tình yêu thương, một tâm tình được xác nhận trong dòng lịchsử cứu rỗi, khi Ðấng Tạo Hóa, đặc biệt trong những biến cố của cuộc xuất hành, trở thành Ðấng cứu chuộc của dân Ngài.
Như thế, “Ngày của Chúa” là ngày mạc khải tình thương của Thiên Chúa đối với những tạo vật của Ngài. Các ngôn sứ đã không ngại ngùng ca ngợi mối tương quan tình thương nầy bằng những từ ngữ của tình yêu hôn nhân (x. Os 1,16-24) Gier 2,2 van van): Là Ðấng Tạo Hóa, Thiên Chúa trở thành như vị hôn phu của nhân loại, và việc nhập thể của Con Một Ngài kết thành điểm cao chóp đỉnh của cuộc hôn nhân huyền nhiệm nầy.
Vào ngày Chúa Nhật, người Kitô được mời gọi khám phá lại cái nhìn đầy nét tươi vui của Thiên Chúa và cảm thấy mình như được bao gồm và được bảo vệ bởi cái nhìn nầy. Cuộc sống chúng ta, trong thời đại của kỷ thuật, liều bị làm cho càng ngày càng trở thành như vô danh hơn, và chỉ quy hướng về (chỉ phục vụ cho) tiến trình sản xuất. Như thế con người không còn có thể vui hưởng những vẻ đẹp của tạo vật, và hơn nữa, không còn có thể đọc thấy trong những vẻ đẹp nầy một phản ảnh dung mạo của Thiên Chúa. Những người kitô dừng lại mỗi ngày Chúa Nhật, không những vì lý do để nghỉ ngơi hợp lý, nhưng còn nhất là để cử hành công việc của Thiên Chúa Tạo Hóa và Cứu Chuộc. Từ việc cử hành nầy, phát sinh những lý do để vui mừng và hy vọng, làm cho đời sống hằng ngày có được mùi vị mới, và cung cấp một phương thuốc căn bản để chửa trị bệnh buồn chán, mất ý nghĩa sống, thất vọng, mà đôi khi họ có thể bị cám dỗ cảm thấy như vậy.
3. Linh hồn tôi ngợi khen Chúa. Chúng ta hãy chúc tụng Chúa với những lời của Mẹ Maria Ðồng Trinh, Ðấng mà Giáo Hội nhìn về như là đấng tuyệt đẹp, tota pulchra, người nữ có được vẻ đẹp của sự tạo dựng đầu tiên cũng như vẻ đẹp của sự tạo dựng mới. Xin Mẹ giúp chúng ta ý thức về những hồng ân của Thiên Chúa, và như thế Ngày Chúa Nhật càng ngày càng trở thành Ngày mà trong đó các cá nhân cũng như các gia đình, được quy tụ lại với nhau bởi bí tích Thánh Thể và được nghỉ ngơi trong niềm vui Kitô và trong tình liên đới, và hát lên lời chúc tụng Thiên Chúa cùng với chính những tâm tình của Mẹ Maria.
Msgr Peter Nguyen Van Tai