Ý nghĩa tu đức và thần học của lễ Dâng Đức Maria vào Đền Thánh

 

 

Tuy các Phúc Âm không nói gì tới lễ Dâng Đức Maria vào Đền Thánh, nhưng Truyền Thống, nhất là truyền thống của các Giáo Hội Đông Phương, cho thấy lễ đã được cử hành từ lâu trước các Giáo Hội Tây Phương. Giáo Hội Roma đã lưỡng lự khá lâu trước khi chấp nhận cử hành lễ này. Dưới thời Đức Giáo Hoàng Pio V lễ đã bị cấm cử hành, rồi sau đó được tái lập. Trong số các thần học gia và chuyên viên thánh mẫu học cũng có người phò người chống. Dầu sao đi nữa đối với phụng vụ và lòng đạo đức bình dân, ngày lễ cũng mang ý nghĩa tu đức và thần học sâu xa.

 

Điểm thứ nhất liên quan tới thực tại tôn giáo. Phụng vụ, đặc biệt là bên đông phương, nơi ngày lễ đã nảy sinh và phát triển, không dừng lại trên trình thuật mạo thư, và không thảo luận xem nó có giá trị như là sự kiện lịch sử hay như là sản phẩm của truyền thuyết thuần túy. Người ta có thể chiếm hữu được xác tín về sự không trung thực của một câu chuyện, nhưng không vì đó mà đưa nó vào trong lãnh vực của các ngụ ngôn. Điều mà người ta tìm kiếm trong giai thoại này, cũng như trong tất cả các giai thoại khác liên quan đến cuộc đời của Đức Trinh Nữ Maria, không phải là sự chính xác nhân loại của các sự thật, cho bằng nội dung tôn giáo và thần học của nó.

 

Trong trường hợp ở đây, truyền thuyết, nếu đó là truyền thuyết, không được giữ lại cho chính nó, nhưng được chấp nhận như biểu tượng của một sự thật cao hơn: sự thật của việc Đức Trinh Nữ thánh hiến hoàn toàn cho Thiên Chúa ngay từ những lúc đầu tiên của cuộc sống. Từ thời rất xa xưa Giáo Hội đã tôn sùng sự thánh thiện cao vời của Đức Maria. Suy tư kitô đã rất sớm dừng lại trên việc chuẩn bị nhiệm mầu của linh hồn ưu tuyển này cho nhiệm vụ Thiên Chúa sắp sửa phó thác cho nó.

 

Có thể là các lưỡng lự của Giáo Hội Tây Phương về lễ Dâng Đức Maria trong Đền Thánh, phát xuất từ sự kiện nội dung thần học của nó đã được đổ vào trong lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội ngày mùng 8 tháng 12, nội dung mà từ đó bắt nguồn định nghĩa tín lý. Trong khi các Giáo Hội Đông Phương đã đổ cùng các giá trị ấy trên lễ Dâng Đức Maria vào Đền Thánh ngày 21 tháng 11. Điều này mời gọi chúng ta nhìn ra sự bổ túc của các truyền thống khác nhau, chứ không phải sự chống đối của chúng.

 

Điểm thứ hai trong nội dung tu đức và thần học của ngày lễ: đó là việc chuẩn bị Đức Maria cho ơn gọi tuyệt đỉnh của Mẹ sẽ là Mẹ của Con Thiên Chúa nhập thể làm người. Việc dâng Đức Maria trong Đền Thờ và các năm sống trong đó cho tới lễ đính hôn với Giuse được coi như thời gian chuẩn bị cho Đức Maria lãnh nhận ơn gọi cao vời là Mẹ Thiên Chúa. Các Giáo phụ của Giáo Hội và các văn bản phụng vụ nhấn mạnh trên sự kiện này, bằng cách nêu bật sự thăng tiến tinh thần, mà Đức Maria đã cố gằng sống ngay từ ngày còn thơ, và nhắc tới ý muốn sống tách rời khỏi cha mẹ và việc giáo dục để phụng sự Thiên Chúa. Trong việc giáo dục tích cực được Chúa Thánh Thần nâng đỡ này, các giáo phụ trông thấy sự lớn lên trong ơn thánh và trong cố gắng tinh thần. Trong bài giảng thứ nhất về biến có Đức Mẹ ngủ, thánh Gioan Damasceno minh giải giai thoại này như sau: ”Rồi Người được thánh hiến vào đền thờ của Thiên Chúa: ở đó Người sống bằng cách chứng minh cho thấy một lòng nhiệt thành và một cung cách cao thượng nhất và không thể chê trách được hơn các người khác, bằng cách tránh mọi tiếp xúc với các người nam, và phụ nữ nhẹ dạ” (PG 96,708).

 

Ý niệm chuẩn bị này được diễn tả bởi phụng vụ đã xác định ngày lễ gần mùa vọng: các tín hữu và toàn thể Giáo Hội được mời gọi bắt chước sự cố gắng do Đức Maria chu toàn, nếu họ muốn trông thấy và dự phần vào việc sinh ra của Con Mẹ. Còn hơn thế nữa giai thoại đã được tiếp nhận bởi các nhà giáo dục như mô thức chuẩn bị cho ơn gọi tu trì. Và gương của Đấng đáng kính Olier trong qúa khứ vẫn còn thời sự. Thật thế, người ta đọc được rằng người coi mầu nhiệm việc dâng vào đền thờ như mô thức toàn vẹn của sự khước từ thế gian và của sự thánh hiến của giáo sĩ. Để tôn kính một mầu nhiệm thân thiết với hàng giáo sĩ như vậy, và để thúc đẩy tất cả các chủng sinh của chủng viện thánh Sulpice bước vào trong các sẵn sàng, qua đó Mẹ Maria dâng mình cho Thiên Chúa trong đền thờ, người ta thành lập một lễ nghi tôn giáo để canh tân tinh thần của chủng viện. Thí dụ này đã được nhiều người theo, và ngày nay vẫn còn có giá trị.

 

Điểm thứ ba Đức Maria là đền thờ của Thiên Chúa. Sau cùng lễ Dâng Đức Maria vào đền thờ là một góp phần làm vinh danh Đức Maria, được coi như là đền thờ mới đích thật của Chúa. Vì việc nhập thể của Ngôi Lời Thiên Chúa nơi Mẹ, Đức Maria đã trở thành đền thờ của Thiên Chúa một cách cao siêu. Đền thờ cũ của dân Israel chứa đựng sự hiện diện của Thiuên Chúa thuộc trật tự ít thực tiễn hơn. Nó đã là hình ảnh của Đức Trinh Nữ Maria, cống hiến nơi ở trên trần gian cho Thiên Chúa trong chính thân thể người. Đối với các văn bản phụng vụ và giáo phụ Đức Maria đã trở thành nơi thánh thiện nhất trong đền thờ cũ, là nơi Thánh của các nơi thánh. Thánh thi Kondakion của phụng vụ bisantin hát rằng: ”Đền thờ rất trong sạch của Đấng Cứu Thế, khuê phòng đồng trinh rất cao qúy, kho tàng thánh thiêng của vinh quang Thiên Chúa ngày hôm nay được dẫn vào trong nhà của Chúa, đem theo mình ân sủng của Chúa Thánh Thần”. Và thánh Gioan Damasceno đã kêu lên: ”Ôi Trinh Nữ đầy ơn phước thiên linh, đền thánh của Thiên Chúa, mà Salomon tinh thần, Hoàng Tử của hòa bình, đã xây dựng và cư ngụ, được làm đẹp không phải với vàng cũng không phải với đá qúy không có sự sống, nhưng trái lại được làm đẹp với Thần Khí. Thay vào chỗ của đá qúy, Ngài có Viên Ngọc vô giá, là Chúa Kitô, Bức truyền thần của thiên tính” (Omelia sulla Natività, 10). Như thế đối với các giáo phụ và phụng vụ được hiện thực nơi Đức Maria tất cả các hình ảnh gắn liến với đền thờ: cửa phía đông, bị đóng, là tiêu biểu của sự đồng trinh; Nơi Cực thánh và các kho tàng chứa đựng trong đó các biểu tượng sự thánh thiện và sự thân tình của Mẹ với Thiên Chúa vv… Điều này giải thích rằng ba bài đọc cựu ước của ngày lễ bisantin liên quan tới đền thờ. Chương 40 sách Xuất Hành kể lại việc dựng nhà tạm trên đó vinh quang Thiên Chúa ngự xuống; sách các Vua I chương 8 câu 1 tới 11 kể lại chuyện di dời Hòm Bia và lễ cung hiến đền thờ của vua Salomon; Chương 43 câu 27 tới chương 44 câu 4 sách ngôn sứ Edêkiel trình thuật thị kiến cửa đóng chỉ mở ra cho Thiên Chúa bước vào. Cả bài thánh thư trong thánh lễ chương 9 câu 1 đến câu 7 thư gửi tín hữu Do Thái cũng nhắc lại việc trang hoàng thánh điện và nơi Cực Thánh.

 

Sách Xuất Hành chương 40 ghi lại lời Thiên Chúa phán với ông Môshê: ”Vào ngày mồng một tháng giêng, ngươi sẽ dựng Nhà Tạm, dựng Lều Hội Ngộ. Ngươi sẽ đặt vào đó Hòm Bia Chứng Ước và lấy bức trướng mà che Hòm Bia ấy. Ngươi sẽ đem bàn tới và bày trên đó những gì cần phải bày ra. Ngươi sẽ đem trụ đèn tới và đặt đèn lên đó. Ngươi sẽ đặt hương án bằng vàng, trước Hòm Bia Chứng Ước và treo màn che cửa Nhà Tạm trước cửa Lều Hội Ngộ…. ”

 

Tiếp đến là các dụng cụ phụng tự khác, và Thiên Chúa truyền cho ông Môshê thánh hiến Nhà Tạm và mọi đồ vật trong đó, như thế Nhà Tạm sẽ là vật thánh. Ngoài ra ông phải xức dầu bàn thờ dâng lễ toàn thiêu và mọi đồ dùng cho việc phụng tự.

 

Chương 8 sách các Vua I kể lại biến cố vua Salomon triệu tập các kỳ mục gồm tất cả những người đứng đầu các chi tộc cùng các trưởng tộc con cái Israel để đưa Hòm Bia Giao Ước của Giavê lên, từ thành vua Đavít tức là Sion… Các tư tế thì khiêng Hòm Bia và đưa Hòm Bia của Đức Chúa cũng như Lều Hội Ngộ và tất cả các vật dụng thánh trong Lều lên. Vua Salomon và toàn thể cộng đồng Israel tụ họp lại bên cạnh vua trước Hòm Bia, sát tế chiên bò nhiều vô kể, không sao đếm nổi. Các tư tế đưa Hòm Bia Giao Ước của Đức Chúa vào nơi đã dành sẵn trong Dơvia của Đền Thờ, tức là Nơi Cực Thánh, dưới cánh các Kêrubim. Qủa vậy các Kêrubim xòe cánh ra bên trên Hòm Bia, che phía trên Hòm Bia và các đòn khiêng… Trong Hòm Bia không có gì ngoài hai Bia Đá ông Môshê đã đặt vào đó, trên núi Khoreb, khi Giavê lập Giao Ước với con cái Israel vào thời họ ra khỏi Ai Cập.

 

Khi các tư tế ra khỏi Cung Thánh, thì có đám mây tỏa đầy Đền Thờ Đức Chúa. Các tư tế không thể thi hành nhiệm vụ được vì đám mây; qủa thật, vinh quang Đức Chúa đã tràn ngập Đền Thờ Đức Chúa” (1 V 8,1-11).

 

Trong chương 44 ngôn sứ Edekiel đề cập tới cửa đông của Đền Thờ như sau: ”Cửa này sẽ đóng; người ta sẽ không mở và không ai được vào qua cổng này; vì Đức Chúa, Thiên Chúa Israel sẽ tiến vào qua cổng ấy. Vì thế cổng này đóng. Nhưng ông hoàng, chính ông hoàng, sẽ được ngồi đó để dùng bữa trước nhan Đức Chúa. Ông sẽ vào qua tiền đình của cổng và sẽ ra bằng lối ấy” (Ed 44,1-4).

 

Chương 9 thư gửi tín hữu Do thái đề cập tới hai lều: lều thứ nhất ở dưới đất được gọi là Nơi Thánh… đàng sau bức màn thứ hai có một cái lều gọi là Nơi Cực Thánh, trong đó có hương án bằng vàng và Hòm Bia Giao Ước hoàn toàn bọc vàng; Hòm Bia này chứa bình bằng vàng đựng manna, cây gậy trổ hoa của ông Aharon và các tấm bia Giao Ước… các tư tế thường xuyên vào lều thứ nhất để cử hành việc phụng tự. ”Còn lều thứ hai, thì chỉ một mình vị thượng tế mới được vào mỗi năm một lần, đem theo máu để dâng làm của lễ đền tội cho chính mình và cho dân. Như thế Thánh Thần tỏ cho biết là lối vào Nơi Cực Thánh chưa được mở, bao lâu lều thứ nhất vẫn còn đó” (Dt 9,1-7).

 

Đức Maria đã hiện thực một cách tuyệt diệu ơn gọi của dân Thiên Chúa. Nơi Mẹ Israel đã cho một câu trả lời trung thành với dấn thân của giao ước. Nơi Mẹ Giáo Hội của Chúa Kitô nảy sinh và tự hiện thực như là cộng đoàn được thánh hiến cho Chúa.

 

Các suy tư này không làm cạn sự phong phú ý niệm được chứa đựng trong ngày lễ Dâng Đức Trinh Nữ Maria vào Đền Thờ, nhưng chứng minh cho thấy tính thời sự thường hằng của nó.

 

Thánh Mẫu Học bài số 380

 

Tin liên quan

Để lại một bình luận

Tel: 0968428072