Phần 2 – Bài 27: Ân sủng của Bí tích Thêm sức
“Bí tích Thêm Sức thêm gì cho ân sủng trong bí tích Rửa Tội?” Đó là câu hỏi Đức hồng y Yves Congar, vốn là nhà thần học nổi tiếng của Công Đồng Vaticanô II, đặt ra. Ngài nói tiếp: “Phép Rửa Kitô giáo là phép Rửa trong Thánh Thần, ban cho ta sự tái sinh và đưa ta đi vào đời sống của Đức Kitô, của Thân Mình Người. Cử hành phụng vụ diễn tả nội dung đó và các giáo phụ dạy như thế. Thánh Thần đã được ban xuống trong bí tích Rửa Tội rồi, vậy tại sao lại phải cần thêm một nghi thức nữa để đón nhận Thánh Thần?”
Mối tương quan giữa bí tích Rửa Tội và Thêm Sức đôi khi được so sánh với mối tương quan giữa lễ Phục Sinh và lễ Hiện Xuống. Vào ngày Phục Sinh, Đấng Phục Sinh hiện đến, đứng giữa các môn đệ và nói: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20,22). Vào ngày lễ Ngũ Tuần (Hiện Xuống), các môn đệ cũng nhận được những ân huệ Thánh Thần như Chúa Giêsu đã hứa khi Người sống lại: “Anh em sẽ lãnh nhận quyền năng khi Thánh Thần ngự xuống trên anh em, và anh em sẽ làm chứng về Thầy” (Cv 1,8).
Như thế, cả hai bí tích Rửa Tội và Thêm Sức đều thông ban Thánh Thần và các ân huệ của Ngài, tuy nhiên cũng như không thể lẫn lộn giữa “sinh ra” và “lớn lên”, thì cũng không thể lẫn lộn giữa Rửa Tội và Thêm Sức. Bí tích tái sinh (Rửa Tội) phải đi trước rồi mới đến bí tích tăng trưởng trong Thánh Thần (Thêm Sức).
Sách GLHTCG trình bày nét đặc thù của ân sủng trong bí tích Thêm Sức bằng những từ ngữ so sánh: “Bí tich Thêm Sức giúp chúng ta bén rễ sâu hơn vào việc làm con cái Thiên Chúa… kết hợp chúng ta với Đức Kitô cách khăng khít hơn, gia tăng trong chúng ta các hồng ân của Chúa Thánh Thần, làm cho dây liên kết của chúng ta với Hội Thánh được hoàn hảo hơn” (số 1303). Nghĩa là tất cả những ân sủng này đã được ban trong bí tích Rửa Tội, nhưng bí tích Thêm Sức làm cho ân sủng ấy được sâu xa hơn, mạnh mẽ hơn, hoàn hảo hơn. Cái “hơn” ấy dẫn người Kitô hữu đến đâu?
Ân sủng của bí tích Thêm Sức là ơn sai đi, sai đi thi hành sứ vụ, làm việc tông đồ, và bí tích ấy “thêm sức” cho ta để thi hành sứ mệnh cao cả đó. Khi nói đến “việc tông đồ”, Công Đồng Vaticanô II muốn nói đến tất cả những hoạt động của Hội Thánh nhằm thánh hóa con người và quy hướng họ về với Đức Kitô. “Nhờ kết hợp với Đức Kitô là Đầu, người giáo dân có quyền và bổn phận làm việc tông đồ. Bởi lẽ một khi đã được tháp nhập vào Thân Mình mầu nhiệm của Chúa Kitô trong bí tích Thánh Tẩy, và được mạnh mẽ nhờ quyền năng Thánh Thần trong bí tích Thêm Sức, họ được chính Chúa trao nhiệm vụ làm tông đồ” (Tuyên ngôn về Việc Tông Đồ của giáo dân, số 3). Trong ngày lễ Hiện Xuống, Chúa Thánh Thần đã làm cho các môn đệ đang sợ hãi trở thành những chứng nhân can đảm. Cũng vậy, bí tích Thêm Sức làm cho chúng ta nên mạnh mẽ trong sứ mạng làm chứng cho Chúa.
ĐHY Christoph Schönborn
(Nguồn: WHĐ)